"Trục hàng hải" không đơn giản
(Tài chính) Sau khi nhậm chức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã triển khai thực thi chính sách đối ngoại Trục hàng hải nhằm đưa Indonesia thành cường quốc biển. Với định hướng này, giới phân tích nhận định Jakarta cần xác định các nội dung phát triển cụ thể trong lĩnh vực hàng hải đa chiều và đa ngành.
Việc Indonesia trở thành cường quốc biển là cần thiết bởi nước này đang sở hữu eo biển nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 3.000 lượt tàu bè mỗi ngày đi qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, và 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đi qua eo biển này. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng nổi bật của Indonesia trong mắt các cường quốc. Trục hàng hải có thể được định nghĩa là ngành công nghiệp hàng hải thế giới. Ngoài ra, năng lượng biển rất quan trọng, trở thành yếu tố đáng kể trong việc thúc đẩy tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2025 như đã cam kết trong Kế hoạch tổng thể về tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế Indonesia (MP3EI).
Giới chuyên gia cho rằng tham vọng trên của Tổng thống Widodo có thể thực hiện được, song sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngành công nghiệp biển của Indonesia hiện đang đối mặt với nhiều trở ngại và nếu không loại bỏ sẽ khó thực hiện thành công chiến lược phát triển biển. Viện trưởng Viện Hải dương Indonesia, Jamaluddin, trong một cuộc hội thảo gần đây ở Jakarta đã chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân lực thấp là nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển nghề cá và hải dương của Indonesia trong suốt một thời gian dài, khiến cho ngành công nghiệp không thể phát triển. Một vấn đề cấp bách khác là số thiết bị máy móc trong ngành công nghiệp hàng hải của Indonesia đã lạc hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là nút thắt kiềm chế sự tăng trưởng của quốc gia vạn đảo này. Ông Jamaluddin cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp biển của Indonesia có cơ hội phát triển tốt song nhận được rất ít sự đầu tư từ Chính phủ, chỉ chiếm 0,08% ngân sách quốc gia.
Trong khi đó, Phó giáo sư Farish A. Noor của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) cho rằng Chính phủ của tân Tổng thống Jokowi sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc nâng cấp chính sách biển để đáp ứng nhu cầu kinh tế và quốc phòng của Indonesia. Bên cạnh việc bảo đảm các tuyến giao thông biển và vượt qua rào cản hậu cầu, chính sách biển mới của Indonesia cần phải đáp ứng nhu cầu khai thác biển và các hoạt động liên quan đến biển của người dân. Một khó khăn nữa là vấn đề phân định chủ quyền trên biển với các nước láng giềng mặc dù Indonesia đã thiết lập ranh giới trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng Trục hàng hải phải được hiểu theo 3 chiều, trong đó quan hệ đối tác với các quốc gia khác cần được khuyến khích. Trước hết, Indonesia phải tận dụng được chủ quyền lãnh hải cùng với quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế - điều đã được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Indonesia có ranh giới trên biển với 10 quốc gia và việc phân định ranh giới với một số quốc gia vẫn đang trong tiến trình đàm phán. Thực hiện chính sách ngoại giao Trục hàng hải có nghĩa Indonesia cần giải quyết nhanh vấn đề biên giới trên biển với các quốc gia láng giềng. Sự rõ ràng và chắc chắn của đường biên giới trên biển cũng như quyền sở hữu các đảo nhỏ ngoài khơi sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong vận chuyển thủy sản và phát triển hàng hải, hay các nguồn tài nguyên khác. Bên cạnh đó, để ngăn chặn sự cố ngoại giao không cần thiết, các ngư dân Indonesia phải nhận thức rõ ranh giới trên biển giữa Indonesia và các nước láng giềng để không xâm phạm vào lãnh hải của các quốc gia khác. Cung cấp thông tin cho ngư dân là một phần không thể thiếu của những nỗ lực để đưa trục hàng hải vào các hình thức của ngoại giao.
Thứ hai là về an ninh, Indonesia không chỉ đóng vai trò trung tâm trong khu vực hàng hải, kinh tế năng động giữa hai châu lục và hai đại dương mà còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. Nếu Indonesia muốn trở thành trung tâm hàng hải trong khu vực, phải bảo đảm rằng các vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải phải được an toàn, trong khi hiện nay có ít nhất hai mối đe dọa an ninh trong vùng biển Indonesia: hoạt động vi phạm pháp luật trên biển như buôn lậu và cướp biển cũng như các mối đe dọa xuất phát từ xung đột giữa các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ. Trở thành Trục hàng hải, Indonesia cần thông qua con đường ngoại giao để ngăn chặn các cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông càng nhiều càng tốt.
Thứ ba là chiều thịnh vượng, Indonesia có thể thúc đẩy nền kinh tế không chỉ dựa trên nguồn tài nguyên biển mà còn nhờ sự năng động hàng hải và sự tương tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự năng động của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng vọt như là kết quả của lực hấp dẫn kinh tế chuyển từ Đại Tây Dương đến châu Á - Thái Bình Dương, và Indonesia có thể gặt hái từ xu hướng này nhờ lợi thế về vị trí địa lý. Hiện gần 70% lượng thương mại thế giới diễn ra xung quanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có đến 45% đi qua Indonesia. Như vậy, kết nối là rất quan trọng không chỉ giữa các cảng trong nước mà còn với các cảng lớn khác ở ASEAN. Indonesia cần tận dụng các cơ quan ngoại giao để thu hút đầu tư và tài trợ từ các nước đối tác để xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, nhà máy đóng tàu và ngành công nghiệp đánh bắt cá. Quốc đảo cần một kế hoạch phát triển hàng hải chi tiết như một phương châm ngoại giao hàng hải.