Trưng bày các địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến tiêu biểu nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam


Ngày 22/11, trưng bày một số địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở Hà Nội do Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng đại biểu tham quan khu vực trưng bày. Ảnh: VGP/Minh Anh
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng đại biểu tham quan khu vực trưng bày. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hơn 150 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về một số địa chỉ đỏ tiêu biểu của cách mạng Việt Nam ở Hà Nội; về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP. Hà Nội đối với di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội.

Đặc biệt, tại trưng bày, lần đầu tiên ra mắt ứng dụng công nghệ thông tin (sách điện tử) trên nền tảng công nghệ số trong hoạt động trưng bày, nhằm tích hợp nhiều tư liệu, hình ảnh, bài viết trong màn hình cảm ứng, vừa tiết kiệm không gian trưng bày, vừa có thể tra cứu các nội dung liên quan đến trưng bày, nhằm tăng tính tương tác, trải nghiệm mới mẻ cho khách tham quan.

Tại lễ khai mạc trưng bày, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trưng bày một lần nữa khắc ghi công ơn của Đảng, Bác Hồ, tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản kiên cường, các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí, đồng bào trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự hy sinh ấy đã tô thắm thêm lá cờ cách mạng quang vinh của Đảng, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Di tích ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm là một trong những di tích tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, nơi đồng chí Trần Phú dự thảo bản Luận cương chính trị vào tháng 10/1930. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1964.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 300 địa điểm, di tích lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, nhiều nhất cả nước. Mỗi địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến là những "địa chỉ đỏ", "trường học" trực quan sinh động, di sản văn hóa vô giá, ghi dấu sự kiên cường, bất khuất của quân dân Thủ đô trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập. Các địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến đã và đang được đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), chiều qua, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội cũng đã tổ chức trưng bày các chuyên đề về đề tài lịch sử, làng nghề. Điểm nhấn là bộ sưu tập vũ khí thời nhà Lê và bộ sưu tập các mẫu hóa thạch.

Các hoạt động chào mừng ngày Di sản, nhiều sự kiện văn hóa cũng đã được tổ chức tại các địa bàn của Hà Nội.

Theo Minh Anh/thanglong.chinhphu.vn