Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam

Hữu Tín

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tại Hà Nội, Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm tiền Việt Nam và Câu lạc bộ Tem Tiền Hà Thành tổ chức buổi trưng bày hiện vật với nội dung “Quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam”. Đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của những đồng tiền cổ.

Góc truyền thống của Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm tiền Việt Nam.
Góc truyền thống của Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm tiền Việt Nam.

Trong không gian của buổi trưng bày, nhiều bộ tiền cổ được giới thiệu đến khách tham quan như: Hệ thống tiền kim loại Việt Nam từ triều Đinh (năm 968) đến Triều Nguyễn (năm 1945); Hệ thống tiền giấy/kim loại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm các bộ tiền 1951-1953; bộ tiền 1958; Bộ tiền 1966 (dự kiến phát hành cho Miền Nam Việt Nam sau giải phóng); Bộ 1968 (hay gọi mà Bộ tiền Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam) - dùng cho Miền Nam Việt Nam năm 1975 sau giải phóng chờ Tổng tuyển cử thống nhất chung hệ thống tiền tệ Việt Nam trên toàn quốc; Bộ Tiền 1976; Bộ tiền 1980; Bộ tiền 1985 và bộ tiền cotton 1987-1994.

Ngoài ra, buổi trưng bày còn giới thiệu: Hệ thống tiền giấy/kim loại của chính quyền Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn 1955-1975; Một số hiện vật là Công phiếu nuôi quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam; Bưu thiếp, Tem có chủ đề về Bác Hồ kính yêu...

Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 1
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 2
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 3
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 4

Không gian buổi trưng bày hiện vật của Câu lạc bộ UNESCO ngày 26/4/2025.

Tại buổi trưng bày, ông Vũ Huy Quang - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm tiền Việt Nam, chia sẻ: Trong 4 nước có nhiều tương đồng về văn hóa (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), tiền cổ Việt nam có một vị trí vô cùng quan trọng. Đồng tiền đầu tiên được lịch sử chính thức công nhận là đồng Thái Bình Hưng Bảo (còn gọi là Đại Bình Hưng Bảo). Trải qua hàng ngàn năm phát triển qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn…, tiền cổ Việt Nam có rất nhiều hiệu tiền quý hiếm và đặc biệt những đồng tiền thời Lê sơ đã được thế giới ca ngợi là những đồng tiền có chất lượng kỹ, mỹ thuật đẹp trên thế giới.

Năm 2013, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam đã ký quyết định thành lập “Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu – Sưu tầm tiền Việt Nam”. Đây là sân chơi tập trung những nhà nghiên cứu, sưu tầm và những người yêu thích tiền Việt Nam trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, trao đổi kiến thức lịch sử nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, những góc khuất còn tiềm ẩn trong hệ thống tiền tệ Việt Nam; giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật trên tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Không chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu sưu tập và quảng bá hoạt động sưu tập tiền, hoạt động trưng bày hiện vật này sẽ thúc đẩy phong trào sưu tập tiền ngày một phát triển, vinh danh hoạt động sưu tập tiền trên bản đồ sưu tập thế giới.

Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 5

Đồng Thái Bình Hưng Bảo

Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 6
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 7
Đồng  Đại Trị Thông Bảo
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 8

 

Theo các nhà nghiên cứu, sưu tầm, Việt Nam là đất nước liên tục phải chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong các cuộc chiến vĩ đại đó, nhiều mẫu tiền đã ra đời và vô cùng quý hiếm như: Tờ Quân dụng phiếu của cụ Phan Bội Châu, mẫu Phiếu Bách Hóa Trường Sơn, thấm đẫm biết bao xương máu cho bộ đội ta trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngoài những đồng tiền chính thống, những giấy tờ như Công phiếu kháng chiến, Công phiếu nuôi quân, Công trái quốc gia; Phiếu thóc… cũng là những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá trong dòng chảy lịch sử tiền tệ Việt Nam nói riêng và lịch sử phát triển đất nước Việt Nam hùng cường ngày nay nói chung.

Bộ tiền cổ từ triều Đinh 968 đến triều Nguyễn 1945.
Bộ tiền cổ từ triều Đinh 968 đến triều Nguyễn 1945.

Những đồng cổ tiền Việt Nam đã khẳng định sự độc lập tự chủ không chỉ về lãnh thổ, chính trị mà cả trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; khẳng định tiềm lực kinh tế quân sự và sự hưng thịnh của các triều đại Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.   

Trong thời kỳ hiện đại, những đồng tiền đã phát hành của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ sau khi giành chính quyền năm 1945 cũng đã tiếp tục giữ vai trò mạch máu kinh tế, duy trì sức dân, huy động mọi nguồn lực đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống Đế quốc xâm lược giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và ngày nay là công cuộc đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 9
Trưng bày hiện vật về quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiền tệ Việt Nam - Ảnh 10
 

Khách tham quan trải nghiệm không gian trưng bày hiện vật của Câu lạc bộ UNESCO ngày 26/4/2025.

“Mục đích lớn nhất của chúng tôi là nghiên cứu, gìn giữ các loại tiền Việt Nam, nhất là những loại tiền cổ, tránh tình trạng mua đi bán lại một cách vô thức, gây thất thoát cổ vật của đất nước. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn tuyên truyền, quảng bá các loại tiền cổ Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài có thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc qua những đồng tiền cổ, cổ vật Việt Nam”, ông Đào Phi Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm tiền Việt Nam chia sẻ.

Hoạt động trưng bày diễn ra trong hai ngày 26 và 27/4/2025.