Trung Quốc: Cải cách vội vàng thổi căng bong bóng tài chính
(Tài chính) Sự vội vàng trong chính sách cải tổ ngân hàng của ông Tập Cận Bình đang đẩy Trung Quốc đến bờ vực vỡ bong bóng tài chính, gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề, Bloomberg nhận định.
Ai cũng có thể là một “ngân hàng”
Tháng 12/2014, hình thức vay ngang hàng đã tạo nên “cơn lốc” tại Mỹ. Đến nay, làn sóng này đã càn lướt toàn Trung Quốc với sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.
Vay ngang hàng còn được gọi là “pear to pear” (P2P) nhằm kết nối trực tuyến, giữa người cần vay và người cho vay mà không cần thông qua ngân hàng hay các tổ chức tài chính, cũng không phải thỏa mãn các điều kiện vay truyền thống. Mục đích vay cũng không bị giới hạn, từ đầu tư kinh doanh đến tiêu dùng, du lịch… Hạn mức vay, lãi suất cùng rất linh hoạt, do chính người cho vay ấn định.
Jim Antos – nhà phân tích của Mizuho Securities Asia, Hồng Kông nhận xét: “Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, việc sản xuất mang đến lợi nhuận kém. Vì thế, họ chuyển qua lĩnh vực tài chính, mà điển hình là hoạt động cho vay tư nhân đang nở rộ hiện nay”.
Panda Firework – nhà sản xuất pháo hoa lớn nhất Trung Quốc, sau khi doanh thu giảm sút đã tham gia vào lĩnh vực cho vay trực tuyến. Năm 2014, hệ số tổng lợi nhuận của công ty là 29%, sau khi tham gia cho vay ngang hàng P2P, lợi nhuận đã tăng lên 54%. Sau đó, công ty này đã chính thức đệ đơn xin đổi tên thành Tập đoàn Tài chính Panda.
Bình luận về động thái này, Bloomberg viết: “Đến Panda Fireworks cũng đã kinh doanh tài chính, Trung Quốc đang chìm vào một cơn sốt mới”.
“Không có ở nơi nào trên thế giới mà mọi người, mọi công ty có thể tham gia vào kinh doanh tài chính dễ dàng như ở Trung Quốc. Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời và không có lý do gì chúng tôi phải do dự mà không nắm bắt lấy nó”, Zhao Weiping, chủ sở hữu của Panda Firework cho biết trong một bài phỏng vấn hồi tháng 1/2015.
Hai gã khổng lồ Alibaba Group Holding và Tencent đã tham gia lĩnh vực ngân hàng trực tuyến, đầu tư mua sắm các thiết bị di động, nền tảng ứng dụng và hướng đến khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Vốn đăng ký của hai ngân hàng tư nhân này thậm chí còn ít hơn ngân hàng Trùng Khánh – ngân hàng nhà nước truyền thống nhỏ nhất Trung Quốc.
Trong tháng 3, lợi nhuận trung bình từ hình thức cho vay P2P ở là 15%, trong khi đó, lãi suất của Ngân hàng Nhân dân (PBOC) chỉ là 2,5%. Số vốn toàn Trung Quốc đổ vào P2P đã tăng lên 13 lần kể từ 2012. Tính đến 2014, tổng số vốn huy động của hoạt động P2P là 41 tỷ đô la, theo báo cáo của Yin Can Group.
Không chỉ các tập đoàn, công ty lớn tham gia thị trường cho vay, bất cứ người dân nào tại Trung Quốc đều có thể là một “ngân hàng”. Shao Jianhua, 38 tuổi, là một ví dụ điển hình. Sau 5 năm nhập khẩu quặng sắt từ Ấn Độ và Úc phân phối cho công ty tại Trung Quốc, ông dư dả tiền bạc để nghỉ hưu và đóng cửa công ty vào năm 2007.
Năm 2013, ông vào sàn giao dịch trực tuyến Xueshandai.com và bắt đầu “sự nghiệp” cho vay P2P. Giá trị giao dịch mà Shao Jianhua đã thực hiện là trên 900 triệu nhân dân tệ, tương đương 145 triệu đô la. Tính đến cuối tháng 3, giá trị này đã tăng lên 15 lần so với 1 năm trước đó.
Ppdai.com là trang web đầu tiên và lớn mạnh nhất của hình thức P2P hiện có 6 triệu người dùng cùng tỷ lệ nợ xấu là 1,8%.
Cải cách ngành ngân hàng hay cái kết trong nước mắt?
Thị trường tài chính của Trung Quốc bị chi phối bởi 4 ngân hàng nhà nước, giữ thế độc quyền và hầu như không muốn mạo hiểm cho khách hàng nhỏ vay tiền. Do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này không thể tiếp cận các nguồn vốn vay để đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những chính sách mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh lại nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có việc cải cách hoạt động ngành ngân hàng.
Từ đó, Trung Quốc đã có những chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tài chính trực tuyến giúp tăng tính cạnh tranh, cải cách hệ thống ngân hàng, định hướng thị trường.
Ngày 4/1/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường thực hiện một thao tác gõ phím, kích hoạt lệnh giao dịch “khai sinh” ra WeBank – ngân hàng chỉ hoạt động trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc. Đây là ngân hàng liên doanh và Tập đoàn Tencent là cổ đông lớn nhất, đánh dấu tham vọng cải tổ ngành tài chính mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ 1979.
WeBank là ngân hàng chỉ hoạt động trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc
Trong khi Chính phủ Trung Quốc hết lời khen ngợi hoạt động của khu vực tài chính trực tuyến và các ngân hàng tư nhân, các nhà phân tích nhận định việc điên cuồng lao vào đầu tư tài chính quá mức này có thể gây ra những kết quả tiêu cực.
Tập đoàn tín dụng toàn cầu Dagong có trụ sở tại Bắc Kinh đưa ra cảnh báo rằng có đến 1.250 người cho vay trực tuyến có nguy cơ phá sản.
“P2P sẽ tạo ra bong bóng tài chính cho Trung Quốc. Nó đang thu hút một lượng vốn khổng lồ không phải vì nhà đầu tư nhìn thấy bất cứ tiềm năng phát triển nào mà chỉ vì nó có thể giúp họ kiếm tiền nhanh hơn với số vốn đầu tư ít”, Liao Qiang - Giám đốc cấp cao tại Standard & Poor’s đặt trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
“Làm thế nào để việc này không kết thúc trong nước mắt khi hậu quả của nó chỉ chực chờ xảy ra”, Antos Mizuho cảnh báo.
Việc cải tổ ngành ngân hàng với những chính sách vội vàng sẽ không thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ngược lại, nó đang đẩy Trung Quốc đến rất gần với nguy cơ vỡ bong bóng tài chính gây ra những thiệt hại rất nặng nề về kinh tế cho nước này, theo Bloomberg.