Trung Quốc cân nhắc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP, nhiều khả năng vẫn hạ lãi suất trong năm 2022
Chính quyền có kế hoạch vực dậy kinh tế thông qua các biện pháp cắt giảm thuế cũng như nới lỏng tiền tệ trước thềm Đại hội Đảng Trung Quốc vào mùa thu năm 2022.
Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cân nhắc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống ngưỡng còn từ 5,5% đến 6% từ mức mục tiêu 6% của năm 2021, theo những nguồn tin mà Nikkei có được từ chính phủ Trung Quốc.
Khi mà những nỗi lo về tình trạng trì trệ lớn dần, chính quyền có kế hoạch vực dậy kinh tế thông qua các biện pháp cắt giảm thuế cũng như nới lỏng tiền tệ trước thềm Đại hội Đảng Trung Quốc vào mùa thu năm 2022. Cứ 5 năm, Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng 1 lần.
Mức tăng trưởng mục tiêu chính thức của kinh tế Trung Quốc sẽ được thông báo trong báo cáo vào tháng 3/2022.
Kinh tế Trung Quốc được tính toán tăng trưởng quanh mức khoảng 8% trong năm 2201, cao hơn mức mục tiêu 6% của Bắc Kinh. Nguyên nhân chính là nhờ vào tốc độ tăng trưởng đến 12,7% của giai đoạn tháng 1 đến tháng 6/2021 bởi so sánh với hiệu ứng nền thấp của 1 năm trước đó khi đại dịch COVID-19 căng thẳng.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại trong nửa sau năm 2021, một số chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giai đoạn tháng 10-tháng 12 ước tính xuống dưới ngưỡng 4%. Con số tăng trưởng cả năm 2021 dự kiến được công bố vào giữa tháng 1/2022.
Các chuyên gia phân tích ước tính rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 5 đến 5,5% trong năm 2022, tốc độ cao đáng kể. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tính toán tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Trung Quốc ước đạt 5,5% trong năm 2022.
Dù vậy, nguồn tin giấu tên từ quan chức chính phủ Trung Quốc cho hay mức mục tiêu của năm 2022 sẽ lạc quan hơn so với triển vọng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tín dụng. PBOC hạ tỷ lệ lãi suất cho vay vào ngày 20/12/2021. 5 ngày trước khi hạ lãi suất PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Quan chức chính phủ Trung Quốc nói với Nikkei rằng PBOC nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2022 nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng và cùng lúc theo dõi diễn biến giá cả.
Hiện tại, việc phát hành trái phiếu nhằm huy động tiền cho các dự án hạ tầng đã bị quá tải. Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép chính quyền địa phương phát hành ước tính 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ tức 229,17 tỷ USD trái phiếu đặc biệt nhằm có tiền cho các dự án hạ tầng.
Chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng đã siết chặt các biện pháp kiểm soát với thị trường bất động sản nhằm kích thích các hoạt động kinh tế. Thị trường Trung Quốc vốn đã chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp nhằm ngăn bong bóng bất động sản.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp chống dịch rất gắt gao của chính phủ nước này. Trung Quốc mới đây đã quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Tây An – Trung Quốc nhằm cố gắng dập dịch COVID-19, đây là động thái mạnh mẽ nhất của chính quyền Trung Quốc tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tại Vũ Hán. Đồng thời nó cũng cho thấy chiến lược không COVID-19 của Trung Quốc cho đến nay vẫn không hề thay đổi từ khởi đầu dịch COVID-19 cách đây gần 2 năm.
Theo Bloomberg, 13 triệu cư dân thành phố Tây An đã được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ cử mỗi gia đình một người ra ngoài hàng ngày để mua các đồ thực phẩm cần thiết, cùng lúc đó việc đi lại ra khỏi thành phố nếu không thực sự có lý do chính đáng bị cấm.
Chính sách mới được áp dụng sau khi đợt xét nghiệm quy mô lớn mới đây đã phát hiện ra 127 ca lây nhiễm COVID-19 tại 14 quận của thành phố, như vậy mục tiêu kiềm chế virus đang trở nên ngày một khó khăn và phức tạp hơn, Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) hối thúc áp dụng gấp rút các biện pháp cần thiết để ngăn sự lây lan của COVID-19. Bà đồng thời nhấn mạnh đến việc cần phải siết chặt kiểm soát hoạt động đi lại của con người, ngăn các hoạt động tụ tập đông người tại các khu vực trọng yếu.