ECB tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm đối phó với lạm phát
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 21/7 đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát đang lan rộng trong toàn khu vực đồng chung euro (Eurozone).
Kết thúc cuộc họp tại thành phố Frankfurt, Đức, ECB khiến thị trường bất ngờ khi quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm. Theo quyết định trên, lãi suất huy động của ECB đã thoát khỏi khu vực âm lần đầu tiên kể từ năm 2014, lên mức 0%.
Lãi suất đối với các giao dịch tái cấp vốn tăng lên 0,50% và lãi suất cho vay là 0,75%. Trước đó, thị trường đặt kỳ vọng ECB sẽ chỉ thông qua mức tăng không quá 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này.
ECB tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. |
Trong tuyên bố được công bố sau cuộc họp, ECB cho biết, hội đồng thống đốc của cơ quan này đánh giá việc nâng lãi suất mạnh tay hơn so dự tính là một bước đi phù hợp trên lộ trình bình thường hóa chính sách lãi suất.
ECB cũng cho biết thêm, động thái nâng lãi suất lần này “sẽ hỗ trợ đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu trung hạn” của cơ quan này là 2%.
Phát biểu sau khi quyết định nâng lãi suất được công bố, Chủ tịch ECB Christine Lagarde giải thích: “Lạm phát tiếp tục ở mức cao không thể tránh khỏi và dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao hơn so mục tiêu của chúng tôi trong một thời gian nữa”.
Số liệu sơ bộ được Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) công bố vào đầu tháng 7 cho thấy, lạm phát so tại Eurozone trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích dự báo. Trong tháng 5, lạm phát ở khu vực này là 8,1%.
Sự tăng tốc của lạm phát cho thấy chi phí tiêu dùng trong khối ngày càng tăng mạnh. Trước đó vào tháng 6, ECB dự báo tỷ lệ lạm phát là 6,8% cả năm nay và 3,5% vào năm 2023. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương cũng ước tính tăng trưởng GDP là 2,1% cho năm nay và năm tới.
Trước động thái mới nhất của ECB, bà Seema Shah, Chiến lược gia trưởng tại Principal Global Investors, đánh giá, việc thắt chặt chính sách của ECB không được đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và "chắc chắn họ làm điều này không đi kèm với những nụ cười ăn mừng".
“Châu Âu đang bước vào giai đoạn kinh tế giảm tốc đáng kể, hứng chịu cú sốc lạm phát đình trệ nghiêm trọng nằm ngoài tầm kiểm soát đồng thời phải đối mặt cuộc khủng hoảng chính trị Italia. Không có ngân hàng trung ương ở thị trường phát triển nào có vị thế tồi tệ hơn ECB hiện tại”, Seema Shah nhận định.