Trung Quốc có thể tung thêm 1.400 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế


Giới chức Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ Nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trái phiếu để phục hồi nền kinh tế mong manh của mình.

Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trái phiếu để phục hồi nền kinh tế
Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trái phiếu để phục hồi nền kinh tế

Kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc

Theo bản tin ngày 29/10 của Reuters, gói tài chính dự kiến này của Trung Quốc gồm hai khoản. Khoản thứ nhất trị giá 6.000 tỷ Nhân dân tệ sẽ được huy động trong vòng 3 năm kể từ năm nay để giúp các địa phương giải quyết các khoản nợ xấu hiện tại. Khoản thứ hai trị giá 4.000 Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các địa phương mua lại đất và bất động sản bỏ hoang trong 5 năm tới.

Tổng số tiền theo kế hoạch được huy động bằng cách phát hành cả trái phiếu kho bạc đặc biệt và trái phiếu chính quyền địa phương - tương đương với hơn 8% sản lượng của Trung Quốc với mục đích trước hết giải quyết nợ ẩn của chính quyền địa phương, sau đó là ổn định hệ thống tài chính, tạo tiền đề hỗ trợ nhu cầu trong nước, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, khoản tài chính thứ hai được sử dụng nhằm nâng cao năng lực quản lý nguồn cung đất đai của các chính quyền địa phương, giảm bớt áp lực thanh khoản và nợ đối với cả chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản.

Cũng trong kế hoạch, các sáng kiến ​​kích thích khác trị giá ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ như thúc đẩy tiêu dùng bao gồm đổi hàng cũ và đổi mới hàng tiêu dùng đang được xem xét phê duyệt.

Chính quyền Trung Quốc cũng để ngỏ khả năng mở rộng kích thích kinh tế hơn nữa với nhiều biện pháp bổ sung khác nếu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử. Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng được dự đoán sẽ làm gia tăng những bất lợi về kinh tế đối với Trung Quốc. Cụ thể, nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, chính sách thuế quan của ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ áp thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cuối tháng 9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% cho các ngân hàng và nhiều loại lãi suất huy động, cho vay khác. Ủy ban Cải cách và Phát triển kinh tế Trung Quốc (NDRC) cũng cấp 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các dự án đầu tư của địa phương năm nay, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Đó là đợt kích thích mạnh nhất của Trung Quốc kết hợp cả biện pháp tài khóa và tiền tệ kể từ đại dịch với kỳ vọng vực dậy nền kinh tế nước này. Số liệu công bố tháng 10 cho thấy, GDP quý III của Trung Quốc tăng 4,3% - chậm nhất kể từ đầu năm 2023; đầu tư vào bất động sản giảm 10% trong 9 tháng đầu năm.

Ngày 21/10, PBoC quyết định giảm lãi suất cho vay 01 năm xuống 3,1% từ mức 3,35% trước đó và lãi suất cho vay 05 năm giảm từ 3,85% xuống 3.6%.

Kỳ vọng với xuất khẩu tại Việt Nam

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm ngoái đạt trên 170 tỷ USD. Đây là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam với với 43,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 1% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Như vậy, những kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thương mại hai chiều nói riêng.

Đối với ngành Thép, nếu gói tài chính giúp ngành Thép Trung Quốc tái cấu trúc thành công thông qua việc khôi phục thị trường bất động sản đang ảm đạm và gia tăng nhu cầu sẽ giúp ngành thép Việt Nam sẽ có diễn biến tích cực hơn khi mà giá trên toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.

Đối với ngành xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam kỳ vọng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản, các loại thuỷ sản gồm cá tra, tôm… sẽ được hưởng lợi và tiếp tục cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2024, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36%.

Đối với ngành cao su, Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, nước ta xuất sang Trung Quốc trên 887.200 tấn cao su, tương đương gần 70% tổng lượng cao su xuất khẩu. Việc giá cao su trong nước tăng nhờ nguyên nhân gián tiếp từ giá cao su thế giới và phần lớn trực tiếp đến từ kỳ vọng nhu cầu tăng tại Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp cao su của Việt Nam hưởng lợi.

Không chỉ vậy, các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế nhờ vào sự trở lại của nền kinh tế quốc gia Đông Á này.

Theo Tạp chí Công thương