Trung Quốc đang toan tính gì ở châu Âu?


Châu Âu là liên minh mạnh nhưng không thể thoát khỏi vòng xoáy cạnh tranh giành giật ảnh hưởng giữa các cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Tỷ phú Trung Quốc trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler - Mercedes-Benz
Tỷ phú Trung Quốc trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler - Mercedes-Benz

Chỉ trong năm 2016, Uỷ ban châu Âu thống kê được vốn đầu tư Trung Quốc đã “ngập tràn” trên toàn châu lục, với 75 tỷ euro, tương đương với tổng mức đầu tư 10 năm trước đó.

Điển hình là cảng Pireous của Hy Lạp bán cho tập đoàn Cosco (Trung Quốc); nhà sản xuất robot Kuka (Đức) bị tập đoàn điện máy Midea (Trung Quốc) thâu tóm, Club Med của Pháp chịu sự điều hành của tập đoàn công nghiệp Fosun (Trung Quốc), nhà sản xuất xe hơi Dongfeng (Trung Quốc) chiếm 1/3 vốn thương hiệu ô tô trứ danh Peugeot,…

Trung Quốc sở hữu hoặc nắm cổ phần chi phối trong 4 sân bay lớn, sáu cảng biển có vị trí quan trọng và 13 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu. Dĩ nhiên, đó mới là thông tin được công bố.

Chính nước Đức càng sửng sốt hơn cả khi tỷ phú Trung Quốc, Li Shufu - nhà sáng lập công ty sản xuất xe hơi Geely bất ngờ được công bố sở hữu 9,6% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ của Mercedes-Benz!

Cơ quan quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) nhận diện 3 bước của Trung Quốc như sau: Từng bước thâu tóm thị phần; buộc các doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ; thâu tóm cổ phiếu những công ty quan trọng ở nước ngoài.

Hàng loạt quốc gia ở Nam Âu bị khuất phục bởi vốn Trung Quốc. Làn sóng này bắt đầu tư năm 2012 khi Bắc Kinh khởi xướng Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 với các nước vùng Đông, Nam châu Âu để tìm kiếm cơ hội đầu tư, cũng như tiếp thị nguồn vốn dồi dào của mình.

Ví dụ, Montenegro vay từ Trung Quốc 809 triệu euro để trang trải 85% chi phí xây 41 km đường cao tốc trong giai đoạn 1 của dự án do Tập đoàn xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Nhưng giai đoạn 1 chưa hoàn thành đã đội vốn lên trên 1 tỷ euro - chiếm 1/4 GDP của nước này.

Sức ảnh hưởng của kinh tế, thương mại Trung Quốc tại châu Âu chưa dừng lại ở đó. Khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Trung Quốc thay thế châu Âu mua hầu hết lượng dầu thô của Nga, và bây giờ Bắc Kinh từng bước nới hạn ngạch xuất bán năng lượng hóa thạch cho “lục địa già”.

Chuyến thăm có phần vội vã của Thủ tướng Đức, Olaf Scholz đến Trung Quốc ngày 4/11/2022 cho thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh với Berlin. Và việc Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm châu Âu cũng cho thấy Trung Quốc đang muốn siết chặt quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư ở châu lục này. 

Con đường tơ lụa 2.0 của Trung Quốc đã bén rễ trên lãnh thổ châu Âu ở những vùng lãnh thổ mà nó đi qua. Nhiều nước Đông và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Người Mỹ luôn luôn “ồn ào” trong các mối quan hệ đồng minh chiến lược; còn Trung Quốc thì không, sự hiện diện của họ phần lớn được xây dựng trong âm thầm lặng lẽ, lấy kinh tế làm đòn bẩy. Vậy, Trung Quốc có thể khai thác gì ở châu Âu?

Thứ nhất, doanh nghiệp châu Âu sở hữu nền tảng khoa học công nghệ có chiều sâu, hình thành và phát triển đi trước thế giới hàng trăm năm. Việc nắm quyền kiểm soát các công ty này giúp Chính phủ Trung Quốc rút ngắn khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện thoại thông minh, Trung Quốc tỏ ra rất nhanh nhạy với công nghệ tiên tiến như xe tự hành, hệ thống điều khiển không thua gì những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Thứ hai, châu Âu là thị trường tiêu dùng đẳng cấp nhất thế giới, làm chủ phân khúc này giúp doanh nghiệp Trung Quốc thu về giá trị thặng dư khổng lồ. Châu Âu là nơi đào luyện cho doanh nghiệp Trung Quốc nâng chất thương hiệu toàn cầu.

Thứ ba, tiến trình nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua “giấc mộng Trung Hoa” - cũng là điều như thông lệ mà một cường quốc cần phải đạt được để thị uy sức mạnh.

Theo Trương Khắc Trà/Diendandoanhnghiep.vn