IMF kêu gọi Trung Quốc bảo vệ ổn định tài chính, cải cách toàn diện nền kinh tế
IMF tin rằng Trung Quốc vẫn còn dư địa để tái cân bằng nền kinh tế, bao gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế xanh, giải quyết các vấn đề nợ địa phương và bảo vệ sự ổn định tài chính.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn phát triển của quốc gia này. Cụ thể là mục tiêu tăng gấp đôi GDP và trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035.
Tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn phát triển của quốc gia này
Cảnh báo này là lần thứ hai IMF đưa ra nhằm kêu gọi đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc cải cách để duy trì tăng trưởng. “Tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc đã bắt đầu giảm và một số cơn gió ngược cho thấy nó sẽ tiếp tục chậm lại, vì vậy, cần phải cải cách toàn diện mô hình tăng trưởng của đất nước”.
Mặc dù tổ chức có trụ sở tại Washington đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay lên 5,2% từ mức 4,4% trước đó, nhưng IMF vẫn lo ngại về triển vọng trung và dài hạn. Tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc đã giảm từ mức cao nhất khoảng 10% trong giai đoạn 2005-2006 xuống còn 4,7% vào năm 2021 và có thể giảm xuống mức trung bình khoảng 4% trong 5 năm tới, thậm chí trung bình 3% trong giai đoạn 2028-2037.
Những trở ngại lớn mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt là dân số giảm, lực lượng lao động già đi và năng suất tổng hợp chậm lại. Đội hình lãnh đạo kinh tế mới của Trung Quốc cũng phải giải quyết các rủi ro tiêu cực như sự phân mảnh địa kinh tế và giảm trao đổi kiến thức công nghệ trong bối cảnh Mỹ - Trung tách rời công nghệ.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh: “Những yếu tố cấp bách này cho thấy sự cần thiết phải tái cân bằng từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sử dụng nhiều carbon, hướng tới các động lực tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững hơn, đặc biệt là tiêu dùng”.
Chính quyền Trung Quốc đang có ý định ổn định nền kinh tế sau khi ghi nhận mức tăng trưởng GDP trung bình là 4,5% trong giai đoạn 2020-2022, thấp hơn ước tính thị trường về mức tăng trưởng tiềm năng 5-6%.
Trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực ổn định nền kinh tế, các ngân hàng Trung Quốc đã phát hành khoản vay trị giá kỷ lục 4.900 tỷ Nhân dân tệ (720 tỷ USD) trong tháng 1, với phần lớn là hình thức cho doanh nghiệp vay trung - dài hạn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng M2 - thước đo tổng quát cung tiền đạt 12,6%, cao nhất kể từ tháng 4/2016.
Tuy nhiên, báo cáo của IMF đã cảnh báo rằng, các chính sách tín dụng nên tập trung vào những biện pháp khuyến khích dựa trên thị trường, vì việc nới lỏng tín dụng có khả năng tạo ra một tỷ trọng lớn hơn trong đầu tư mới, gia tăng từ các công ty có năng suất tương đối thấp.
Các yêu cầu hành chính đối với tăng trưởng khoản vay, yêu cầu định giá khoản vay hoặc các tính năng phi thị trường khác có thể tạo ra sự không nhất quán với việc bảo lãnh cho vay và quản lý rủi ro, làm tăng nguy cơ chênh lệch giá và rủi ro tài chính.
Việc triển khai đội ngũ lãnh đạo mới có thể báo trước một cách tiếp cận mới đối với việc lập kế hoạch trung và dài hạn, đồng thời điều chỉnh các chính sách hiện có để đảo ngược tình trạng suy giảm kinh tế.
Trung Quốc cần duy trì tốc độ tăng trưởng ít nhất 4,8% trong 13 năm tới để tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Nhưng để làm như vậy, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc phải hành động đối với một loạt vấn đề, bao gồm làm thế nào để hồi sinh tinh thần kinh doanh, củng cố niềm tin của thị trường và giải quyết các vấn đề cấu trúc từ bên trong.
Cuộc tham vấn Điều 4 hàng năm của IMF với Trung Quốc tin rằng, vẫn còn dư địa đáng kể để tái cân bằng nền kinh tế, bao gồm các lĩnh vực như cải cách doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế xanh, giải quyết các vấn đề nợ địa phương và bảo vệ sự ổn định tài chính.
Đáp lại điều này, Bắc Kinh bày tỏ sẽ thúc đẩy việc loại bỏ sự bảo hộ và độc quyền hành chính của địa phương, đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của một thị trường quốc gia thống nhất. Đồng thời cam kết tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và tiếp tục cải cách sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến khích hoãn tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ đầu tư trên GDP, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy giáo dục, đổi mới. “Các cải cách được ước tính sẽ nâng mức GDP thực tế lên khoảng 2,5% vào năm 2027 so với kịch bản cơ sở và khoảng 18% vào năm 2037, với phần lớn lợi ích đến từ các cải cách nâng cao năng suất”, báo cáo cho biết.
Nghiên cứu của IMF đánh giá, cứ mỗi 1% giảm khả năng di chuyển do chiến lược Zero COVID của Trung Quốc dẫn đến GDP giảm 0,67 điểm phần trăm trong 3 năm qua và doanh số bán lẻ giảm 1,6 điểm phần trăm so với trước đại dịch. Thu nhập khả dụng của hộ gia đình bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn, với mỗi sự suy giảm 1% về khả năng di chuyển dẫn đến thu nhập khả dụng bình quân đầu người giảm 0,4%.