Cách mạng công nghiệp 4.0:
Trung Quốc đang trên hành trình thống trị công nghệ toàn cầu
"Chừng nào Trung Quốc còn được chi phối bởi các kỹ sư, sự biến đổi chóng mặt này sẽ còn gây sốc, đe dọa và thách thức thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Và tôi nghi ngờ người Mỹ sẽ phản ứng lại giống như các luật sư", chuyên gia David Dodwell nhận định.
David Dodwell, chuyên gia nghiên cứu về những thách thức toàn cầu, khu vực và Hồng Kông có bài phân tích trên tờ South China Morning Post (SCMP) với tiêu đề: "Đáng sợ: Trung Quốc đang trên hành trình thống trị công nghệ toàn cầu".
Theo David Dodwell, sự khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở chỗ Mỹ được điều hành bởi các luật sư, trong khi Trung Quốc được dẫn dắt bởi các kỹ sư.
David Dodwell cho rằng, không có nơi nào trên thế giới mà sự bắt kịp xu thế bùng nổ công nghệ số và ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày của hàng trăm triệu người dân lại đáng kinh ngạc như ở Trung Quốc.
Hãng Viễn thông Huawei có đến 68.000 người làm nghiên cứu phát triển thuần tuý, chiếm 40% trong tổng số 170.000 nhân viên. Những kết quả nghiên cứu của họ sẽ đặt nền tảng cho công nghệ 5G trên toàn Trung Quốc vào năm 2020.
Mắt thấy tai nghe
Những nhận thức này càng thể hiện rõ nét sau các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) năm ngoái, lần đầu tiên được tổ chức ở San Francisco, Mỹ và lần thứ 2 tổ chức tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
"Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là internet hoạt động nhanh hơn đáng kể ở Thâm Quyến so với San Francisco. Thứ hai là các đồng nghiệp người Trung Quốc đã thanh toán mọi thứ thông qua AliPay trên điện thoại thông minh của họ", David Dodwell cho biết.
Nhiều thành phố trên thế giới có các dịch vụ chia sẻ xe đạp, nhưng không nơi nào có các dịch vụ giống như của Mobike và Ofo ở Thượng Hải. Có khoảng 450.000 xe đạp đậu quanh các tụ điểm tại Thượng Hải. Người ta chỉ cần mở ứng dụng Mobike, quét mã QR trên xe đạp là có thể sử dụng. AliPay sẽ tính phí sử dụng xe đạp theo giờ. Xe đạp được theo dõi bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS.
Cuộc cách mạng thanh toán điện tử này ở Trung Quốc đã bỏ xa các quốc gia khác trên thế giới. Thị trường thanh toán điện tử của Trung Quốc hiện nay lớn gấp 50 lần so với Mỹ.
Kính thiên văn vô tuyến bán kính 500 mét đặt ở Quý Châu đã đánh dấu sự khởi đầu của Trung Quốc trong cuộc tìm kiếm về sự sống ngoài trái đất. Trung Quốc cũng đang sở hữu siêu máy tính Sunway TaihuLight có tốc độ xử lý nhanh nhất thế giới; phát triển pin lithium hay mạch máu làm từ tế bào gốc bằng công nghệ in 3D...
"Tôi thậm chí đã nhận thấy điều này gần đây khi một ấn phẩm công nghệ đã so sánh các thông số giữa GoPro Karma - "niềm tự hào của thị trường máy bay không người láicủa Hoa Kỳ" và chiếc Mavic Pro do DJI sản xuất ở Trung Quốc. Mavic vượt trội hơn hẳn - bay nhanh hơn, bay cao gấp đôi, nặng hơn 25%, có thể bay thời gian dài hơn 30%, và chi phí 749 USD so với 799 USD của GoPro", David Dodwell cho biết.
David Dodwell cho rằng, quá trình chuyển đổi phi thường từ một công xưởng sản xuất hàng giá rẻ thành một siêu cường công nghệ cao hoàn toàn của Trung Quốc không phải sự tình cờ. Nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang cảnh báo và thậm chí phản đối quá trình này.
Quay trở lại đầu những năm 2000, các kỹ sư Trung Quốc nhận ra rằng với tư cách là "công xưởng sản xuất của thế giới", các doanh nghiệp sẽ chỉ chơi một trò chơi vô ích.
Dù họ đã chiếm được thị phần lắp ráp chi phí thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, nhưng điều này chỉ khiến hàng triệu lao động Trung Quốc mãi sống trong cảnh đói nghèo. Trong khi lúc này, Trung Quốc lúc này lại đang nhập khẩu các linh kiện có giá trị gia tăng cao từ các nhà sản xuất ở Mỹ, Nhật, Đức và Hàn Quốc.
Các kỹ sư đã nhanh chóng phát hiện ra rằng nếu muốn gây dựng một nền kinh tế tiêu dùng trung lưu, công nhân Trung Quốc phải có mức thu nhập cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với năng suất lao động và năng lực công nghệ cao hơn để tạo ra những thành phần phức tạp có giá trị cao được sản xuất ngay tại Trung Quốc.
Từ đó, kế hoạch "Made in China 2025" đã được hình thành, thu hút hàng tỷ USD vào nghiên cứu ngay tại quê nhà, mua lại các công ty công nghệ và chất xám công nghệ nước ngoài, bất cứ khi nào và ở đâu có thể.
Trong vòng 2 năm qua, các chuyên gia công nghệ cao, đặc biệt là tại Hoa Kỳ đã "hoảng loạn" trước xu thế của Trung Quốc.
Robert Atkinson, Chủ tịch Quỹ Công nghệ thông tin và đổi mới, trong tháng Giêng đã cảnh báo Quốc hội Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đã bước vào "cuộc xâm chiếm công nghệ" bằng trăm phương ngàn kế thao túng thị trường và đánh cắp công nghệ, ép buộc Mỹ chuyển giao các bí quyết.
Lột xác
Từ một nền kinh tế lạc hậu cách đây 3 thập kỷ, Trung Quốc đã nhanh chóng lột xác từ chỗ thiếu thốn cơ sở hạ tầng, thiếu nền tảng công nghệ và một khu vực tư nhân cạnh tranh, và "nhảy cóc" theo cách mà hầu hết các quốc gia trên thế giới khó tưởng tượng được.
Năm 2015, Huawei đã trở thành tổ chức công bố các bằng sáng chế quốc tế mới lớn nhất thế giới.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, các bằng sáng chế mới được cấp của Trung Quốc đã tăng từ con số 0 ở đầu thế kỷ này lên 928.000 trong năm 2014, tăng 40% so với 579.000 bằng sáng chế của Mỹ và gần 3 lần so với 326.000 của Nhật Bản.
Từ con số 0 về thanh toán bản quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2000, ngày nay Trung Quốc đã phải trả tới 20 tỷ USD mỗi năm cho bản quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện tại các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm được ít hơn từ công nghệ nước ngoài với chi phí bản quyền 1 tỷ USD mỗi năm, trong khi họ kiếm được rất nhiều từ bản quyền công nghệ trong nước với chi phí bản quyền lên tới 18 tỷ USD.
"Chừng nào Trung Quốc còn được chi phối bởi các kỹ sư, sự biến đổi chóng mặt này sẽ còn gây sốc, đe dọa và thách thức thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Và tôi nghi ngờ người Mỹ sẽ phản ứng giống như các luật sư", David Dodwell kết luận.