Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu điện
Trong một năm vừa qua, mặc dù Trung Quốc đã cố gắng dự trữ nhiên liệu song quốc gia này vẫn phải đối mặt với một mùa Đông thiếu điện, vì nguy cơ thiếu hụt than đá và khí đốt tự nhiên dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình cũng như các nhà máy điện.
Trong vài tháng tới thời tiết tại Trung Quốc sẽ chuyển lạnh, nhu cầu sử dụng các thiết bị sưởi ấm sẽ tăng mạnh, và điều này có thể kích hoạt chính sách cung cấp theo kế hoạch về điện lực như mùa Đông và mùa Hè năm trước.
Nguồn cung năng lượng không theo kịp nhu cầu, cùng với việc giá cả cao có thể ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp của Trung Quốc. Vấn đề này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và du lịch sụt giảm do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo chuyên gia phân tích Hán Dương Vệ của BloombergNEF, vào những ngày có thời tiết lạnh nhất, một số tỉnh ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc có thể sẽ gặp một đợt thiếu hụt điện khác. Trong suốt mùa Hè năm 2021 nguồn cung than nhiệt luôn căng thẳng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, cùng với nền kinh tế phục hồi từ trong dịch bệnh, giá năng lượng từ Bắc Kinh đến London đều leo thang do nhu cầu được kích hoạt vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt.
Trong mùa Đông năm nay, khi nhu cầu của Bắc bán cầu đạt đỉnh sẽ dẫn tới xu thế tăng giá mạnh trên toàn cầu dự kiến cũng sẽ tăng cao gấp nhiều lần, điều này có thể gây gián đoạn việc phục hồi kinh tế toàn cầu đồng thời kích thích lạm phát. Vừa qua, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã đưa ra bản dự báo giá than tiêu chuẩn của châu Á sẽ tăng gấp đôi trong quý III.2021.
Nguyên nhân chủ yếu là giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Á đã tăng gấp 4 lần trong năm ngoái, và nó đang ở mức cao nhất theo mùa kể từ khi có số liệu lưu trữ. Theo chuyên gia phân tích Lara Dong của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit Anh, nếu giá than đá và khí đốt tự nhiên tiếp tục duy trì ở mức cao trong mùa Đông sắp tới thì rủi ro thiếu điện sẽ rất lớn.
Trong khi đó, chi phí năng lượng ở châu Âu cũng lên mức cao kỷ lục vì sản lượng điện gió ở Biển Bắc đột ngột suy giảm, gây chao đảo các thị trường năng lượng trong khu vực. Các nhà máy điện than và điện khí được huy động để giúp bù đắp cho sản lượng điện gió đang thiếu hụt.
Theo đó, giá khí đốt ở châu Âu đang ở mức cao nhất trong lịch sử do nguồn cung khan hiếm, do đó buộc phải dùng tới than nhiệt lượng vốn bị ngưng sử dụng từ lâu vì phát ra khí thải nhà kính. Tình trạng này cho thấy, các thị trường năng lượng châu Âu đang đối mặt với tình hình bất ổn khi bước vào một mùa đông dài sắp tới.
Cú sốc giá điện được cảm nhận rõ nhất ở Anh, khi quốc gia này dựa vào các trang trại điện gió để giảm khí thải carbon. Giá các tín chỉ carbon mà các nhà sản xuất điện cần phải mua để được phép đốt các nhiên liệu rắn cũng đang ở mức cao kỷ lục.
Giá điện ở Anh vào lúc đỉnh điểm tăng gấp đôi hồi tháng 9 và cao gấp 7 lần so với cùng kỳ vào năm 2020, cùng với đó giá điện ở Pháp, Hà Lan và Đức cũng tăng vọt.