Trung Quốc: Dự trữ ngoại hối giảm không ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm xuống dưới 3 nghìn tỷ USD không đe dọa xếp hạng tín dụng chủ quyền của nước này khi nền kinh tế vẫn có một bộ đệm vững chắc.
“Dự trữ (của Trung Quốc) vẫn rất dồi dào để để đáp ứng nhu cầu bên ngoài và nợ phải trả”, Kim Eng Tan - một nhà phân tích tín dụng tại Singapore cho biết. “Tài sản có tính lỏng cao của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nợ phải trả, và tài khoản vãng lai vẫn ở một trạng thái thặng dư. Đây là bộ đệm giúp nền kinh tế chống lại những cú sốc”.
Dự trữ ngoái hối của Trung Quốc – quốc gia có kho dự trữ lớn nhất thế giới – đã giảm xuống còn 2.998 tỷ USD trong tháng 1/2017, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011 sau khi đồng nhân dân tệ có mức giảm hàng năm lớn nhất trong hai thập kỷ trong năm 2016. Điều đó đã dấy lên mối quan tâm của các nhà đầu tư về tác động của nó đến lãi suất, tăng trưởng tín dụng, bảng cân đối tài sản ngân hàng và chính sách rủi ro, Tan viết.
Song rủi ro lớn nhất liên quan đến dòng vốn chảy ra và áp lực mất giá của đồng nhân dân tệ là quá phản ứng của các nhà hoạch định chính sách, Tan nói. Nếu cơ quan chức năng thực hiện thay đổi lớn sẽ làm giảm sự tự tin, từ đó có thể có tác động nghiêm trọng hơn đối với sự ổn định kinh tế và tài chính, ông nói.
Sự suy giảm của kho dự trữ đã góp phần làm giảm kỷ lục trong nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ nhân dân tệ. Điều đó đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu của Hoa Kỳ cao hơn.
S&P tháng trước đã duy trì mức triển vọng tiêu cực đối với Trung Quốc và cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc trong những tháng tới nếu rủi ro kinh tế và tài chính tăng cao. Xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc là là AA- với triển vọng tiêu cực.
“Miễn là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không phản ứng thái quá với xu hướng này, chúng tôi không thấy có nguy cơ ngắn hạn đối với xếp hạng nợ có chủ quyền”, Tan viết. “Trung Quốc đã linh hoạt cho phép giảm tỷ giá hối đoái nếu dòng vốn chảy ra vẫn mạnh. Họ không phải lo lắng về một đồng tiền yếu do các công ty Trung Quốc không dựa nhiều vào vay ngoại tệ. Vì vậy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không cần phải tiếp tục giảm thậm chí nếu dòng vốn tiếp tục chảy ra”.
Tuy nhiên, khi một lượng tiền lớn rời bỏ đất nước, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ không cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà chỉ đạo các ngân hàng phải duy trì lượng dự trữ là bao nhiêu, Qiang Liao - một nhà phân tích của ngân hàng tại Bắc Kinh của S&P đã viết trong báo cáo cùng với Tan.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại việc phát ra tín hiệu mạnh về việc nới lỏng tiền tệ có thể khuyến khích dòng chảy vốn”, Qiang đã viết. “Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách đã chọn giải pháp bơm thanh khoản thông công cụ mua lại đảo ngược và các công cụ cho vay khác của ngân hàng trung ương để bù đắp những tác dụng thắt chặt từ dòng vốn ra”.