Trung Quốc giảm lãi suất cho vay thế chấp để cứu thị trường địa ốc

Theo Hoàng An/nhadautu.vn

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay thế chấp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng lan rộng và tồi tệ, theo CNN.

 Một dự án nhà ở của Country Garden, xây dựng xong chưa có người mua tại Thượng Hải. Ảnh Getty Images
Một dự án nhà ở của Country Garden, xây dựng xong chưa có người mua tại Thượng Hải. Ảnh Getty Images

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Hai thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm từ mức 4,45% xuống 4,3%, và cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay một năm từ mức 3,7% xuống còn 3,65%.

Lãi suất cho vay cơ bản của Trung Quốc là lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay.

Lãi suất 5 năm thường được dùng làm tham chiếu cho các khoản cho vay thế chấp.

Các nhà phân tích cho biết việc giảm lãi suất vay thế chấp đã được dự đoán từ trước, đặc biệt khi Trung Quốc đã cắt giảm các mức lãi suất khác vào tuần trước trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này bị đình trệ trong tháng 7 do các đợt phong tỏa mới vì COVID và sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản.

Một số chuyên gia cho biết lãi suất cơ bản cho vay 5 năm giảm nhiều hơn dự kiến hôm thứ Hai, chứng tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với lĩnh vực địa ốc.

Larry Hu, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc của tập đoàn tài chính Macquarie, viết trong một báo cáo: "Việc cắt giảm lãi suất ngày hôm nay là rất cần thiết, vì lĩnh vực bất động sản hiện đang là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế".

Rắc rối trong lĩnh vực bất động sản, chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc, lâu nay phải hứng chịu một đợt khủng hoảng tiền mặt kéo dài, đang gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc khủng hoảng đã được biết đến nhiều hơn kể từ khi nhà phát triển bất động sản nổi tiếng Evergrande vỡ nợ vào năm ngoái. Giá bất động sản tại Trung Quốc đã giảm, kéo theo sự sụt giảm mạnh trong doanh số bán nhà mới.

Tuần trước, Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, đã cho biết trong một hồ sơ đăng ký trên sàn chứng khoán rằng họ dự kiến ​​lợi nhuận trong nửa đầu năm nay sẽ giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước.

Những người mua nhà trên khắp đất nước giận dữ đe dọa sẽ ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp của họ đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện, khiến các doanh nghiệp và chính quyền phải hành động để xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Ở Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán nhà trước khi hoàn thiện chúng.

Mo Bin, Chủ tịch của Country Garden, cho rằng dự báo thu nhập ảm đạm là do doanh số bán bất động sản giảm, do "môi trường kinh doanh khó khăn trong ngành bất động sản, tiếp tục ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thu hẹp biên lợi nhuận của một số dự án và tỷ giá ngoại hối biến động theo hướng không có lợi".

Dự kiến ​​sẽ có thêm sự trợ giúp từ phía nhà nước Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho biết hôm thứ Hai rằng họ dự đoán Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm vào cuối năm nay.

Các quan chức cũng đã công bố các biện pháp khác nhằm thúc đẩy lĩnh vực này, bao gồm các thỏa thuận để gia hạn các khoản vay cố định đối với các dự án gặp khó trong việc giao hàng đúng thời hạn và giúp các cơ quan chức năng "bảo đảm việc tài trợ phát hành trái phiếu trong nước cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân được lựa chọn", các nhà phân tích của Goldman Sachs lưu ý trong một báo cáo hôm thứ Hai.

Bằng cách đó, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ giúp giảm bớt các vấn đề về dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản và khôi phục niềm tin vào lĩnh vực này, các nhà phân tích cho biết.

Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, lưu ý trong một báo cáo: “Tuy nhiên, những người mua nhà với các khoản vay thế chấp hiện có sẽ phải đợi đến đầu năm sau để các thay đổi lãi suất [mới nhất] có hiệu lực".

Hơn nữa, "lực cầu yếu về nhu cầu vốn vay hiện nay một phần là do cơ cấu cho vay, phản ánh sự mất niềm tin vào thị trường nhà ở và sự không chắc chắn gây ra bởi sự gián đoạn liên tục từ chiến lược zero COVID của Trung Quốc", bà nói thêm.

"Đây là những lực cản không thể giải quyết dễ dàng bằng chính sách tiền tệ", bà nhấn mạnh.