Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới Việt Nam
Theo chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ có tác động đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua hai kênh thương mại và đầu tư.
Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất
Ngày 15/8, Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1/2022, khi nền kinh tế nước này vẫn đang chịu áp lực từ sự bùng phát COVID-19 và căng thẳng với Hoa Kỳ tăng cao.
Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm từ 2,85% xuống 2,75% và cho biết, động thái này nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tài chính. Đồng thời, lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày, cũng là công cụ lãi suất của Ngân hàng Trung ương bị giảm từ 2,1% xuống 2%.
Có thể thấy, cách tiếp cận nới lỏng của PBoC so với các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ và các nền kinh tế phương Tây sẽ gây thêm áp lực lên Trung Quốc về dòng vốn xuyên biên giới và tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ. Dù các cân nhắc đã được đặt ra, nhưng lo lắng về áp lực kinh tế đi xuống tại nước này vẫn lớn hơn, trong bối cảnh dữ liệu cho vay tháng 7 được công bố thấp hơn dự kiến. Cụ thể, các khoản vay ngân hàng mới đã giảm 37,1% so với một năm trước đó xuống còn 679 tỷ Nhân dân tệ (100,7 tỷ USD) vào tháng trước. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước khá yếu, bởi dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc.
Trong hội nghị phân tích kinh tế hàng quý vào cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, họ không còn đề cập đến mục tiêu tăng trưởng hàng năm mặc dù đã cam kết đạt được kết quả kinh tế tốt nhất trong năm.
Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không đạt mục tiêu hàng năm sau khi báo cáo chỉ tăng trưởng 2,5% trong nửa đầu năm nay. Sự sụt giảm của các thông số kinh tế chính trong nước vào tháng trước có thể đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của Bắc Kinh rằng, đà phục hồi sẽ được củng cố và tăng trưởng sẽ trở lại đúng hướng trong quý 3, buộc các nhà hoạch định chính sách phải đẩy mạnh việc sử dụng công cụ bình ổn.
Các vấn đề tại Trung Quốc hiện nay đã nêu bật những bất ổn đang chờ đợi với sự bùng phát của COVID-19, những điều chỉnh sâu hơn về thị trường bất động sản, lạm phát đình trệ có thể xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Mỹ.
Trong lần cắt giảm lãi suất cơ bản này, các nhà phân tích đang kỳ vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng các công cụ giá, cùng với việc tăng cường tín dụng và thúc đẩy cơ sở hạ tầng, để nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu trong nước. Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết: “Tác động của đợt kích thích từ tháng 5-6 đã tỏ ra yếu hơn dự kiến, khiến các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường biện pháp nới lỏng. Đặc biệt, thị trường bất động sản suy giảm đã tạo áp lực đáng kể lên nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách phải hạ thấp hơn nữa tỷ lệ thế chấp để ổn định lĩnh vực này”.
Còn theo chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, Julian Evans-Pritchard cảnh báo rằng, triển vọng cho Trung Quốc sẽ vẫn còn nhiều thách thức trong những tháng tới khi xuất khẩu sụt giảm, suy thoái tài sản ngày càng sâu sắc và sự gián đoạn do virus gây ra vẫn là lực cản lớn.
Ngày 16/8, NDT của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á, chạm mức thấp nhất trong ba tháng do việc PBoC cắt giảm lãi suất bất ngờ. Cụ thể, đồng tiền này đã giảm 0,2% xuống còn 6,7881 CNY/USD - mức được thấy lần cuối vào tháng 5.
Từ đầu năm đến nay, NDT đã liên tục mất giá, điển hình là quý 1 giảm 6,5%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất tại khu vực châu Á. Tháng 4 là tháng giảm giá mạnh kỷ lục khi tỷ giá đồng tiền này trượt 4% so với USD. Đây là sự đối lập so với những gì đã diễn ra trong năm 2021, khi NDT là một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới.
Thực tế, khi NDT giảm giá, hàng hoá Trung Quốc sẽ tăng sức cạnh tranh về giá ở nước ngoài, có thể giúp ích cho nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Nhân dân tệ rớt giá nhanh, nhà đầu tư có thể hoảng loạn và các dòng vốn có thể tháo chạy khỏi Trung Quốc, gây mất ổn định kinh tế trong nước và dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tác động đến Việt Nam
Như vậy, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách đã phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế nước này, đồng thời tác động đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua hai kênh thương mại và đầu tư.
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích, về thương mại, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước liên tục tăng, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là đối tác thương hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong khối ASEAN. Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam theo cả mặt tích cực và tiêu cực.
Những tác động tích cực bao gồm: giúp giảm chi phí đầu vào sản xuất; xuất khẩu có thể được hưởng lợi do các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn áp dụng chính sách nhập khẩu Trung Quốc + 1 và khi Trung Quốc gặp khó khăn, Việt Nam có thể thay thế vị trí này; chuyển dịch dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Những tác động tiêu cực bao gồm: hàng hóa Việt Nam chịu sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, tăng áp lực nhập siêu; đồng Nhân dân tệ giảm giá tạo đà cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn, tăng áp lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp nội địa đang sản xuất cùng mặt hàng và cán cân thương mại sẽ ảnh hưởng ngay trong ngắn hạn; nhu cầu thị trường giảm do kinh tế Trung Quốc sụt giảm làm cho cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc giảm.
Đáng chú ý, những vấn đề đối với chính sách tài chính được đặt ra cụ thể như:
Thứ nhất, gian lận xuất xứ hàng hóa, xuất hiện hành vi giả mạo xuất xứ, gian lận C/O, trung chuyển hàng hóa bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức cao.
Thứ hai, hàng của Trung Quốc có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thấp hơn hàng Việt Nam cùng loại. Do đó, sản xuất trong nước đã và đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để giữ thị phần ngay trên chính sân nhà, khi mà hàng hóa từ Trung Quốc tràn sang. Bên cạnh đó, FDI đăng ký tại Việt Nam từ nhà đầu tư Trung Quốc tăng nhanh đáng kể về số dự án nhưng lại giảm về vốn đăng ký bình quân một dự án thể hiện công nghệ dự án lạc hậu, giá rẻ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Việt Nam đang là điểm “trung chuyển” hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, nguyên vật liệu của rất nhiều ngành xuất khẩu lớn trong nước được nhập từ Trung Quốc, do đó không đảm bảo quy tắc xuất xứ thuần túy, xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần. Khi đồng Nhân dân tệ phá giá, trong khi đồng USD có xu hướng tăng lên sẽ gây áp lực lên tỷ giá của đồng Việt Nam với các ngoại tệ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý phân tích.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ; giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường, đẩy mạnh đa phương hóa và tìm kiếm thị trường mới, đồng thời cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và đăng ký bản quyền thương hiệu sản phẩm trong nước; tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Mặt khác, cần hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số; rà soát, sàng lọc kỹ để loại bỏ những dự án công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém... đổ vào Việt Nam.