G20 tìm giải pháp cho an ninh mạng toàn cầu
Những yếu kém trong việc quản lý các hoạt động trên Internet đã kìm hãm sự đóng góp của nó đối với tăng trưởng toàn cầu.
Internet ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Hãng cố vấn quản lý Mc Kinsey ước tính Internet đã đóng góp tới 2,8 nghìn tỷ USD trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2014.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc trong hai ngày 4-5/9. Chủ đề của Hội nghị là xây dựng nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, tương tác. Chủ đề này được chia làm bốn nhóm vấn đề, bao gồm sáng tạo mô hình tăng trưởng; quản trị tài chính, kinh tế thế giới hiệu quả hơn; thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ; phát triển loại hình bao quát và tương tác.
Tuy nhiên, những hạn chế trong việc quản lý các hoạt động trên Internet đang đe dọa tới tiềm năng và giới hạn đóng góp của Internet đối với tăng trưởng toàn cầu trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo nghiêm túc cân nhắc vấn đề này.
Nhìn chung, có ba nội dung quan trọng liên quan đến tình hình an ninh mạng trên thế giới mà nhiều người kỳ vọng hội nghị G20 lần này ít nhiều cũng giúp đem lại những hướng giải quyết cụ thể hơn.
Tin tặc thương mại
Tin tặc đang trở thành mối đe dọa không hề nhỏ với hoạt động kinh tế toàn cầu. Một ủy ban của Mỹ ước tính quốc gia này mỗi năm thiệt hại tới 300 tỷ USD do bị tin tặc tấn công. Các hành vi này cũng dẫn tới nguy cơ các nước là nạn nhân tìm cách áp đặt những biện pháp trừng phạt hoặc trả đũa.
Tháng 9/2015, Trung Quốc đã tránh được việc bị Mỹ áp đặt trừng phạt sau khi lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận nhằm ngăn chặn hoạt động đánh cắp thông tin trên mạng. Hội nghị G20 năm 2015 đã mở rộng phạm vi thỏa thuận song phương này tới tất cả các thành viên khi thống nhất đưa vào thông cáo chung quan điểm tán thành triển khai lệnh cấm tin tặc thương mại.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt là làm thế nào để hiện thực hóa các cam kết này. Hội nghị năm nay được kỳ vọng là nơi để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chia sẻ quan điểm, giải quyết bất đồng, cùng nhau đi tới đồng thuận và duy trì động lực chính trị nhằm thực hiện đúng những gì đã đề ra.
Mặc dù hội nghị G20 không phải là nơi để các bên “đấu tố” nhau song sự kiện này có thể là dịp để các quốc gia lên án những hoạt động tin tặc hoặc đánh cắp thông tin trái phép. Các nhà lãnh đạo cũng có thể hối thúc một cơ quan quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thực hiện các báo cáo thường kỳ về vấn đề này.
An ninh mạng trong thời bình
Các vụ tấn công mạng trong thời bình thực sự là một thách thức không hề nhỏ, bởi nó có thể gây ra thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân. Hơn thế nữa, các cuộc tấn công mạng sẽ tạo ra bất ổn và đe dọa tới toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Đây là điều không thể phủ nhận bởi ba lý do.
Thứ nhất, sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát an ninh mạng khiến hầu hết các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có thể dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công.
Thứ hai, thời đại Internet đã khiến phạm vi mục tiêu tấn công trở nên rộng hơn.
Thứ ba, các cơ sở hạ tầng công quyền và trọng yếu ngày càng được bảo mật chặt chẽ hơn, và điều này, vô hình chung khiến các doanh nghiệp và thể chế dân sự trở thành những mục tiêu hấp dẫn hơn đối với tin tặc.
Dòng chảy dữ liệu tự do
Việc các quốc gia đơn phương kiểm soát dòng chảy dữ liệu tự do đang trở thành một vấn đề ngày càng đáng lo ngại bởi điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, tác động tiêu cực tới các thị trường và tạo ra những phí tổn không cần thiết.
Nhiều quốc gia, trong đó có một vài nước G20, đã bắt đầu áp dụng các điều luật hạn chế chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới. Hoạt động bảo vệ nguồn dữ liệu có thể diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như yêu cầu lưu trữ và xử lý các mục dữ liệu cụ thể (những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia hoặc chăm sóc sức khỏe) ở trong nước, hoặc áp đặt các điều kiện đối với việc chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới.
Nhiều nước đã viện dẫn hàng loạt lý do chính đáng để tiến hành các hoạt động kiểm soát dòng dữ liệu. Tuy nhiên, điều này gây ra những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp có hoạt động trực tuyến là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chẳng hạn như phí tổn gia tăng trong việc lưu trữ và xử lý dữ liệu. Các tập đoàn đa phương tiện cũng chịu nhiều tác động của việc làm này.
Do một số quốc gia G20 có chủ trương bảo hộ dữ liệu và hạn chế phạm vi cải cách quy mô lớn, G20 khó có thể đảo ngược xu thế này. Tuy nhiên, G20 có thể đưa ra một cam kết về dòng chảy dữ liệu tự do.
Để ngăn chặn các quốc gia tự áp đặt các tiêu chuẩn kiểm soát ngăn chặn dòng chảy thông tin đặc biệt áp dụng với các thông tin quốc gia, G20 có thể phát triển các quy tắc đảm bảo quyền riêng tư theo tiêu chuẩn quốc tế và tìm kiếm các giải pháp để cải thiện hoạt động chia sẻ thông tin giữa các chính quyền trong G20. Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ khích lệ các nước thành viên xem xét lại thủ tục chính sách của mình và có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.