Trung Quốc ra sức phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn, Mỹ gây khó

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Mục tiêu tự cung cấp tới 70% nhu cầu chip cho sản xuất trong nước năm 2025 của Trung Quốc được cho là rất khó khăn, trong điều kiện Mỹ liên tục đưa ra các hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc đáp ứng 70% nhu cầu bán dẫn bằng nguồn cung trong nước vẫn là chặng đường dài. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tự cung tự cấp chip của Trung Quốc chỉ đạt 16% vào năm ngoái, dù Chính phủ nỗ lực thúc đẩy sản xuất.

Trong sự kiện diễn ra ở Bắc Kinh vào cuối tháng trước, Chủ tịch SAIC Motor Wang Xiaoqiu bắt đầu cuộc trò chuyện với Feng Xingya, người đồng cấp tại tập đoàn ô tô Quảng Châu, bằng cách hỏi về khó khăn trong việc mua chip. Ông Wang cười gượng gạo nhận xét: “Hỏi về chip trở thành cách chào nhau ở Trung Quốc”. 

Với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, nguồn cung nội địa thấp của Trung Quốc đang khiến quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới phải đau đầu. Ye Shengji, Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô chỉ được cấp chưa đến 5% chất bán dẫn từ nguồn cung trong nước”.

Chiến lược của Mỹ hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip khiến việc tự lực cánh sinh trở thành vấn đề cấp bách đối với Bắc Kinh. Sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (“Made in China 2025”) được công bố vào năm 2015 với mục tiêu nâng sản lượng chip của nước này cung cấp cho sản xuất nội địa từ dưới 10% nhu cầu khi đó lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Chính phủ đề ra loạt biện pháp để đạt được mục tiêu chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình, bao gồm cả việc đẩy mạnh đầu tư bằng các quỹ do nhà nước hậu thuẫn, tập trung đặc biệt vào ngành bán dẫn. Quỹ lớn nhất trong số này là Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Trung Quốc, được thành lập vào năm 2014 và có nhiệm vụ hỗ trợ chiến lược “Made in China 2025”. Quỹ huy động được 140 tỷ tệ (22 tỷ USD) và mới thành lập quỹ thứ 2, khoảng 200 tỷ tệ vào năm 2019 để đối phó với căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Quỹ này rót vốn vào nhà sản xuất bộ nhớ flash NAND Yangtze Memory Technologies, chuỗi cung ứng vật liệu và thiết bị cho Semiconductor Manufacturing International (SMIC), giúp phát triển công ty thành xưởng đúc chip hàng đầu của Trung Quốc. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng áp dụng thuế và nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip vào năm ngoái. Những khoản đầu tư vào lĩnh vực này tăng gấp 4 lần vào năm 2020 lên 140 tỷ tệ. Nhờ đó, doanh số của chip do Trung Quốc sản xuất vào năm ngoái tăng lên 884,8 tỷ tệ (137 tỷ USD), gấp 3 lần con số năm 2014.

Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng mạnh để theo kịp với nhu cầu gia tăng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô khi xe điện và công nghệ lái xe tự hành phát triển. Mua hàng từ nước ngoài tăng khoảng 60% từ năm 2014 lên 350 tỷ USD vào năm 2020.

Trung Quốc không từ bỏ mục tiêu trở thành cường quốc bán dẫn

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IC Insights cho thấy Trung Quốc chỉ cung cấp 16% chất bán dẫn trong nước vào năm ngoái. Con số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ còn ở mức 6%, sau khi loại trừ các công ty nước ngoài có cơ sở tại Trung Quốc như TSMC, Samsung Electronics và SK Hynix.

Sự chậm trễ về nguồn cung các mặt hàng thiết bị sản xuất chip ảnh hưởng đến tiến độ. “Việc phê duyệt thiết bị sản xuất bán dẫn 28 nm và 14 nm từ nhà chức trách Mỹ không theo đúng kế hoạch”, đồng Giám đốc điều hành SMIC Zhao Haijun nói trong cuộc họp báo vào tháng 8.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ mục tiêu trở thành cường quốc bán dẫn. Các doanh nghiệp triển vọng trên khắp các ngành đang đổ nguồn lực vào lĩnh vực chip, với sự hỗ trợ của Chính phủ. Gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi đầu tư vào hơn 20 công ty bán dẫn trong năm nay, bao gồm cả các khoản từ nhiều quỹ liên kết.

Trong lĩnh vực xe điện, nhà sản xuất BYD dự kiến  sớm mua công ty bán dẫn có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông. SAIC-GM-Wuling Automobile, liên doanh được biết đến với chiếc xe điện trị giá 4.500 USD, bắt đầu phát triển chất bán dẫn.

Academia cũng đang tham gia đào tạo nhân sự. Trường đại học Thanh Hoa thành lập khoa đào tạo bán dẫn vào tháng 4 năm nay. Cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong cũng bắt đầu đào tạo sinh viên ngành bán dẫn từ tháng 7.

Trong chuyến thăm gần đây tới SiEn Integrated Circuits, công ty có trụ sở chính tại thành phố Thanh Đảo, điều đầu tiên khách nhìn thấy là tấm biển lớn với thông điệp “Phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất”. Người đứng đầu công ty là Richard Chang, người sáng lập, từng giữ vị trí lãnh đạo của tập đoàn SMIC. “Hãy đóng góp cho sự lớn mạnh của lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc”, Chang nói trong sự kiện của công ty vào tháng 8 trước khi SiEn Integrated Circuits bước vào hoạt động sản xuất hàng loạt.

Trung Quốc đang tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn. “Chất bán dẫn là tiền đề cho sự phân công lao động toàn cầu. Không quốc gia nào có thể tạo ra chuỗi cung ứng độc lập của riêng mình”, chuyên gia cho biết.