Trung Quốc rủi ro với chính sách "mua thế giới"
(Tài chính) Để thách thức Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc (TQ) buộc phải chấp nhận nhiều rủi ro về cả địa chính trị và tài chính.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ở Bắc Kinh vào đầu tháng 1, ca ngợi người đồng cấp như là một "người bạn tốt của người dân TQ". Nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín, các cuộc đàm phán căng thẳng hơn. Ngân hàng TQ đã cho Venezuela vay 50 tỷ USD từ năm 2007. Với nền kinh tế suy thoái sâu, khả năng trả nợ cho TQ của Venezuela gần như không có.
Cho Venezuela vay chỉ là hành động tiến thoái lưỡng nan đầu tiên đối với TQ. Trước đó, TQ mở rộng gói hoán đổi tiền tệ 24 tỷ USD để giúp Nga vượt qua khó khăn kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1998. TQ cũng đã cung cấp cho Argentina khoản tiền 2,3 tỷ USD hồi tháng 10/2014 vừa qua như là một phần của gói hoán đổi. Kinh tế Argentina cũng rơi vào tình thế suy thoái nghiêm trọng, giá cả hàng hóa tăng vọt sau khi quốc gia này tuyên bố "phá sản kỹ thuật" và vỡ nợ. Còn nền kinh tế của Nga đứng trước rủi ro "sụp đổ” sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây...
TQ lúc này như phao cứu sinh của các nước bị phương Tây xa lánh như Nga hay Argentina. Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ, thay vì các khoản đảm bảo rủi ro, TQ mạnh tay cho vay chỉ với điều kiện quốc gia vay nợ phải ưu ái cho các công ty xây dựng và phát triển hạ tầng từ đại lục. Từ năm 2008, TQ đã giao dịch hoán đổi tiền tệ khoảng 500 tỷ USD với gần 30 quốc gia, từ Canada đến Pakistan.
Đằng sau các khoản cho vay khổng lồ, TQ đang hướng tới việc thách thức sự thống trị của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, Bắc Kinh theo đuổi chiến lược thành lập các định chế tài chính nhằm thách thức sự thống trị của WB và IMF. Trong tháng 7/2014, TQ hợp tác với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập Ngân hàng Phát triển mới với 50 tỷ USD vốn đầu tư. Năm quốc gia này cũng có kế hoạch tạo ra 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối phòng khi khủng hoảng. Trong tháng 10, TQ khởi động Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để trở thành đối trọng của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Một tháng sau, TQ cũng công bố khai trương Quỹ Silk Road trị giá 40 tỷ USD.
"TQ đang đóng vai trò ngày một quan trọng hơn và sẵn sàng tham gia mọi việc" - Michael Ganske, người đang quản lý số vốn hơn 8 tỷ USD tại các thị trường mới nổi tại Rogge Global Partners Plc, bình luận - "Mỗi thỏa thuận về tiền tệ như thế này đều hàm chứa tầm quan trọng về địa chính trị”. "Tuy nhiên, kinh doanh là kinh doanh, TQ vẫn phải bảo vệ các khoản vay của mình", Yu Yongding, một cựu cố vấn cho Ngân hàng Trung ương TQ, nhận định.
Một phần quan trọng trong việc rải tiền để "mua" các quốc gia vỡ nợ của TQ là nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đây là chính sách mà Anh sử dụng sau cuộc hoảng loạn Overend Gurney năm 1866 để biến bảng Anh thành đồng tiền quốc tế. Tương tự như vậy, giao dịch hoán đổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với các ngân hàng nước ngoài sau cuộc khủng hoảng tài chính đã đưa đồng USD lên thành bản vị của tài chính quốc tế.
Nhưng sự ủng hộ của TQ đối với Argentina, Venezuela và Nga nguy hiểm và nhiều rủi ro hơn khi các quốc gia này bị cộng đồng quốc tế xa lánh hoặc cô lập. Bằng việc "mua" các quốc gia ở Nam Mỹ với các khoản vay không thế chấp, TQ đang đánh cược với một thị trường vốn tuyên bố rằng các quốc gia này có 90% khả năng vỡ nợ trong năm tới. TQ đang tiếp quản mối rủi ro Nam Mỹ mà phương Tây đang từ bỏ, vốn không quá khác biệt với các quốc gia vệ tinh Xô viết trong thời chiến tranh lạnh.
Ngay cả IMF, dù ủng hộ cải cách tài chính ở TQ, nhưng cũng cảnh báo Bắc Kinh phải thận trọng hơn với các khoản cho vay nước ngoài. Tổng của luồng vốn không giải thích được từ TQ đã liên tục tăng trong những năm gần đây, lên 63 tỷ USD trong quý III/2014. Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute - AEI) đã tính toán rằng khoản đầu tư và xây dựng ở nước ngoài của TQ lớn khác thường, 250 tỷ USD trong 10 năm qua, đã bị thiệt hại hoặc thất bại vì những lý do không liên quan đến thị trường.
Nói cách khác, khi bị chi phối bởi các mục tiêu ngoài kinh doanh, các khoản cho vay của TQ chấp nhận như một khoản đầu tư rủi ro. Bởi ngay cả về mục tiêu chính trị, các "con nợ" của Bắc Kinh cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa đối tác kinh doanh và đồng minh thân cận. Những quốc gia vay nợ TQ như Triều Tiên, Venezuela, Sudan và Zimbabwe không tạo được ảnh hưởng trên chính trường quốc tế, có chăng là chỉ kéo TQ vào những rắc rối của chính nước này. Một số quốc gia trước đây ở tình trạng cô lập với cộng đồng thế giới như Cuba hay Myanmar nay bắt đầu mở cửa giao thương với bên ngoài và tìm cách thoát khỏi vòng cương tỏa của TQ.