Trung Quốc: Tăng mạnh đầu tư vào bất động sản toàn cầu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trung Quốc nổi lên là trong những quốc gia xuất khẩu vốn lớn trên thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư bất động sản. Báo cáo mang tên: “Trung Quốc gia nhập thị trường đầu tư bất động sản toàn cầu” do Cushman & Wakefield, Công ty tư vấn bất động sản tư nhân lớn nhất thế giới vừa công bố cho biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, tổng vốn đầu tư bất động sản thương mại nước ngoài của Trung Quốc đạt gần 33,7 tỷ USD vào tháng 6/2014, tăng gấp 200 lần so với thời điểm năm 2008. Nhiều giao dịch bất động sản giá trị lớn trên toàn thế giới cũng có sự tham gia của một số lượng lớn các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trung Quốc: Tăng mạnh đầu tư vào bất động sản toàn cầu - Ảnh 1

Đằng sau xu hướng đầu tư bất động sản nước ngoài

Nhiều quy định thắt chặt được áp dụng cùng với tình hình hạ nhiệt của thị trường bất động sản nội địa buộc các nhà đầu tư trong nước đa dạng hóa danh mục đầu tư tại các thị trường phát triển – nơi đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi cùng khả năng tăng giá của tài sản, hứa hẹn nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Quá trình tái cơ cấu chính sách, việc mạnh lên của đồng nhân dân tệ và tham vọng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng góp phần chuyển hướng dòng vốn ra nước ngoài.

Trung Quốc: Tăng mạnh đầu tư vào bất động sản toàn cầu - Ảnh 2

Từ các nhà phát triển tư nhân lớn, các ngân hàng, công ty bảo hiểm quốc doanh, quỹ tài sản thuộc sở hữu nhà nước cho đến các cá nhân có số vốn lớn đều chuyển hướng đầu tư sang thị trường bất động sản nước ngoài. Trong đó, phần lớn số lượng giao dịch là do doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư cá nhân đảm nhiệm.

Tuy nhiên, “những trở ngại cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong quá trình hội nhập toàn cầu không phải là không có”, ông Timothy Horton - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định và thêm: “Trong đó, phải kể đến những kiểm soát của Chính phủ về dòng vốn, sự thiếu hụt về nhân lực, sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp và cách thức quản lý, cũng như vốn kiến thức còn eo hẹp của chính những nhà đầu tư Trung Quốc về hệ thống luật pháp mà cụ thể là nhiều quy định áp mức thuế cao”.

Hình thức đầu tư nào được quan tâm?

Từ năm 2008 đến tháng 8/2014, cao ốc văn phòng là loại hình bất động sản được giới đầu tư ưa chuộng nhất, chiếm 48% tổng số lượng đầu tư. Đầu tư bất động sản văn phòng tăng vọt vào năm 2013, đạt mức 8,4 tỷ USD – lớn hơn tổng lượng đầu tư vào các loại bất động sản còn lại trong cùng năm đó (7,4  tỷ USD). Kể từ đầu năm 2014 tới nay, văn phòng tiếp tục thu hút lượng đầu tư lớn nhất với 2,8 tỷ USD, theo sau là các khu phát triển với 1,7 tỷ USD.

Các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu hướng đến các thị trường phát triển của châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu. Mỹ là quốc gia được quan tâm nhất, tiếp đến là Anh, Hong Kong, Singapore, Australia, Malaysia, Nhật Bản và Brazil. Tại thị trường bất động sản Mỹ, Trung Quốc chủ yếu đổ vốn đầu tư vào các thành phố cửa ngõ, nằm tại khu vực bờ đông, bờ tây cũng như khu vực Great Lakes. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngày càng đa dạng hóa tài sản và mở rộng phạm vi đầu tư ra khắp đất nước.

Tại châu Âu, Anh cũng là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc. Chỉ riêng London chiếm tới 62,7% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc. Trong một vài năm gần đây, bất động sản châu Âu nổi lên là mục tiêu hấp dẫn với các nhà đầu tư Trung Quốc, Ted Li - Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn của Cushman & Wakefield Trung Quốc chia sẻ.

Ngoài ra, do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, cộng với số lượng lớn cộng đồng gốc Hoa sống tại các quốc gia Đông Nam Á, nên bất động sản khu vực này cũng thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc. Tại Singapore, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào mảng văn phòng, trong khi đó tại Malaysia, dự án đất trong giai đoạn phát triển được ưu tiên hơn cả, trong đó có khu vực phát triển Iskandar được đánh giá là tiềm năng nhất với vị trí tiếp giáp Singapore.

Trên toàn thế giới, hai mô hình đầu tư phổ biến của những nhà đầu tư Trung Quốc là xây dựng cơ sở kinh doanh mới hoặc mua bán và sáp nhập (M&A). Các nhà phát triển Trung Quốc thường hợp tác liên doanh với các công ty và tổ chức quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư và tiếp cận với đa dạng nhiều kênh tài chính hơn.

Tại Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp chế xuất, sản xuất tiếp tục là lĩnh vực đón nhận nhiều mối quan tâm nhất nhờ vào chi phí nhân công rẻ và vị trí tiếp giáp với Trung Quốc. Tại các phân khúc khác, các nhà phát triển quy mô lớn đánh giá cao bất động sản ven biển Việt Nam vốn hầu hết chưa được khai thác và có giá thành hợp lý hơn nhiều so với khu đất có diện tích và vị trí tương tự ở Trung Quốc và các khu vực khác của khu vực.

Thêm vào đó, với hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được nâng cao chất lượng, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư và thị trường sẽ trở lại giá trị thực, phát triển bền vững hơn trong trung hạn.

"Nhìn chung, với nhiều công ty cũng như cá nhân có vốn nhàn rỗi đều mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư, nâng cao chất lượng đầu tư và vươn tầm thế giới, dự kiến xu hướng đầu tư ra bất động sản toàn cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ còn tiếp tục bùng nổ", báo cáo kết luận.