Trung Quốc: Tiếp tục “hãm phanh” đầu tư ra nước ngoài

Theo daibieunhandan.vn

Trung Quốc tiếp tục khoanh vùng các lĩnh vực bị hạn chế đầu tư ra nước ngoài, bao gồm các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, câu lạc bộ giải trí và thể thao để giảm rủi ro tài chính và hỗ trợ nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong một chỉ thị mới được công bố, Trung Quốc nêu rõ, đầu tư ra nước ngoài sẽ được đánh giá theo ba loại: Cấm, hạn chế, khuyến khích. Trong đó, “những nguồn đầu tư ra nước ngoài không phù hợp với chính sách đối ngoại phát triển hòa bình của Trung Quốc, không phù hợp với nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi và không phù hợp với nguyên tắc kinh tế vĩ mô sẽ là đối tượng bị hạn chế”.

Cụ thể, danh mục bị cấm bao gồm: Công nghệ quân sự cốt lõi, cờ bạc, công nghiệp tình dục, đầu tư trái với an ninh quốc gia. Bị hạn chế gồm: Tài sản, khách sạn, phim ảnh, giải trí, thể thao, thiết bị lạc hậu, đầu tư không đúng tiêu chuẩn môi trường. Và các lĩnh vực được khuyến khích là đầu tư cho dự án Vành đai, con đường; nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc, thăm dò dầu khí, nông nghiệp và đánh cá.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm soát khi dòng tiền “chảy” ra khỏi quốc gia trong năm ngoái đã lên tới 816 tỷ USD. Dưới sự kiểm soát, tài khoản vốn của Trung Quốc và dự trữ ngoại hối đã ổn định trong năm nay.

Điều đó cho thấy rằng hoạt động kinh doanh này có thể làm suy yếu tính ổn định của tài khoản vốn, cũng như tạo ra những rủi ro trong ngành ngân hàng.

Trong năm, cơ quan quản lý ngân hàng đã yêu cầu các nhà băng cung cấp thông tin về khoản vay cho các công ty thương mại lớn. Đồng thời xem xét đến việc mua lại các công ty này để đánh giá rủi ro tiềm ẩn đối với lĩnh vực tài chính.

Robin Xing, chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley tại Hong Kong cho biết, những thay đổi gần đây là “một phần của gói đề phòng để ngăn chặn sự hồi phục dòng vốn chảy ra”. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, một số công ty chỉ tập trung vào tài sản chứ không phải là nền kinh tế, thay vì thúc đẩy nền kinh tế trong nước lại tạo ra dòng vốn “chảy” ra bên ngoài, ảnh hưởng tới sự an toàn về tài chính.

Mặt khác, một số công ty đã bỏ qua các quy định về môi trường, năng lượng và an toàn ở các nước mục tiêu, dẫn đến tranh chấp và hình ảnh của Trung Quốc bị suy giảm.

Trong 7 tháng qua, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm 44,3% so với năm trước khi các nhà hoạch định áp dụng chính sách “hãm phanh” đối với việc mua lại của các công ty nước ngoài.

Zhou Hao, một chiến lược gia cao cấp của thị trường mới nổi ở Commerzbank AG, Singapore nói: “Trung Quốc muốn tiền của mình tập trung vào các lĩnh vực cụ thể có thể giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Ông nhận định chính sách mới cũng cố gắng kìm hãm các lỗ hổng vốn khả nghi và rửa tiền có thể xảy ra.