Trường Đại học Tài chính - Marketing chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học
Trường Đại học Tài chính – Marketing phấn đấu đến năm 2045 xếp hạng top 500 trường đại học uy tín và danh tiếng khu vực châu Á và trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam và khu vực ASEAN. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trường Đại học Tài chính – Marketing tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu.
Trường Đại học Tài chính - Marketing xác định mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thường xuyên thực hiện đổi mới mô hình quản trị gắn với chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng tích lũy và tăng trưởng đầu tư đảm bảo mọi nguồn lực cần thiết về nhân lực, công nghệ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đến năm 2030, Trường vận hành đồng bộ theo mô hình quản trị đại học hiện đại, thông minh, lấy người học làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học, xu thế phát triển giáo dục đại học thế giới trong kỷ nguyên số.
Đến năm 2030, các hoạt động của Trường chủ yếu được giải quyết và xử lý trên nền tảng số; xây dựng đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, có đủ năng lực tiếp cận với những kiến thức hiện đại, có phẩm chất, trách nhiệm của nhà giáo, tâm huyết, gắn bó và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Toàn bộ đội ngũ viên chức của Trường đều được đào tạo về kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số nhằm đảm bảo áp dụng công nghệ số vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động quản trị nhà trường.
Về chiến lược phát triển đào tạo, Trường phấn đấu đến năm 2025 duy trì và phát triển tối thiểu 15 chương trình đào tạo trình độ đại học, 5 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 2 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó, các chương trình đào tạo đều đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và ít nhất 4 chương trình đào tạo trình độ đại học được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đến năm 2025, có tối thiểu 10 chương trình đáp ứng đầy đủ chuẩn chương trình đào tạo định hướng ứng dụng và tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế. Trong đó, có tối thiểu 20% các học phần được giảng dạy theo hình thức trực tuyến, đào tạo tích hợp hoặc song bằng và 50% đào tạo chương trình chất lượng cao…
Đến năm 2030, duy trì và phát triển đảm bảo chất lượng ít nhất 8 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, 5 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Các chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế và triển khai phát triển ít nhất 3 chương trình đào tạo trình độ đại học gắn liền với yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Trường Đại học Tài chính – Marketing xác định, xây dựng cơ chế cho phép triển khai thí điểm các mô hình và công nghệ mới, đặc biệt công nghệ đào tạo số theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về phạm vi, không gian và thời gian thử nghiệm.
Trường đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới nội dung phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp; Nâng cao nhận thức của nhà quản lý, viên chức, giảng viên và sinh viên về đổi mới mô hình quản trị đại học từ mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị đại học dựa trên nền tảng số, lấy người học làm trung tâm.
Trường Đại học Tài chính - Marketing xác định, thường xuyên cải tiến công tác tuyển sinh và đổi mới hoạt động truyền thông hiện đại phù hợp với đặc điểm tình hình và xu hướng phát triển thời đại công nghệ số; thu hút và lựa chọn thí sinh ưu tú tham gia tuyển sinh và học tập tại Trường; Phát triển chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo liên kết quốc tế để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Song song với đó, Trường chú trọng đổi mới công tác tổ chức đào tạo theo định hướng ứng dụng; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu và phát triển năng lực tự học, năng lực nghiên cứu khoa học; triển khai giáo dục số thích ứng với nền kinh tế số và xã hội số; đầu tư xây dựng, phát triển và trọng dụng nhân tài nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức phục vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ và bền vững; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và quốc tế hóa giáo dục đại học…