Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức Hội thảo khoa “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam”
Chiều 21/12, Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên năm 2023 với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính (1963-2023).
Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam” cung cấp cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính Việt Nam. Sử dụng thấu kính khung tài chính tích hợp quốc gia, các bài viết phân tích cơ cấu, tính chất và xu hướng tài chính, các nguồn đầu tư cho phát triển ở Việt Nam có so sánh với các nước khác nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của các sinh viên đến từ Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính), Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại... Trải qua các vòng phản biện, 30 bài viết đã chính thức được duyệt đăng toàn văn kỷ yếu.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, TS. Trịnh Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế cho biết, tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo và đưa thế giới hướng tới hòa bình, thịnh vượng, cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Theo đó, để đạt được những mục tiêu này, các quốc gia phải chuyển đổi hệ thống tài chính, kinh tế và chính trị điều hành xã hội để đảm bảo một tương lai bền vững.
Theo TS. Trịnh Thanh Huyền, trong 7 năm qua, với nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các SDG trên quy mô cả nước với sự tham gia của mọi thành phần và đạt được những thành quả rõ rệt.
TS. Trịnh Thanh Huyền nhận định, Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức lớn trong thực hiện các SDG như: ứng phó với các vấn đề toàn cầu, rủi ro về khí hậu và môi trường, áp lực phải thực hiện các cam kết quốc tế và đảm bảo cân bằng với phát triển, nguồn lực tài chính, cũng như dữ liệu cho giám sát và báo cáo. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn, đặc biệt cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
TS. Trịnh Thanh Huyền bày tỏ mong muốn những nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ là những gợi ý hữu ích để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở các tham luận, ý kiến phát biểu, Ban tổ chức sẽ chắt lọc, tổng hợp những thông tin hữu tích để đóng góp những luận điểm khoa học làm cơ sở cho việc định hướng và hình thành các giải pháp phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0 ngày càng sâu rộng.
Tại Hội thảo, các sinh viên cùng đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung phong phú, tập trung vào các chủ đề như: Phát triển bền vững - Những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp và thị trường tài chính; Xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển bền vững thị trường tài chính; Phát triển thị trường tài chính xanh...