Trường Đại học Việt Đức đào tạo nhân lực cho Trung tâm Tài chính Quốc tế

Lê Văn

Ngày 9/4 tại tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với Trường Đại học Việt Đức (VGU) về đào tạo nhân lực cho Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Văn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Văn

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Ông vừa có chương trình làm việc với Chính phủ Đức, Thủ hiến bang Hessen khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn Đại học Việt Đức đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo thông lệ quốc tế cho phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, bảo đảm cơ chế chính sách đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trước hết là các nhà đầu tư Đức đến với Việt Nam.

Tại buổi làm việc, TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng VGU chia sẻ: Trường Đại học Việt Đức là kết quả của quá trình hợp tác quốc tế song phương về giáo dục đại học giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và Chính quyền bang Hessen (CHLB Đức). Đây được xem bước tiên phong trong quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Đức.

Mục tiêu phát triển của Đại học Việt Đức là trở thành đại học định hướng nghiên cứu, hướng tới sự xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu và quản trị. Trọng tâm đào tạo của trường là các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn cũng như kinh tế và quản trị tài chính… tất cả đều theo tiêu chuẩn và quy trình của các đại học Đức.

TS. Hà Thúc Viên cũng bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện cho trường tham gia vào phát triển hệ sinh thái của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng thông qua các hoạt động như:

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thiết kế, tư vấn các sản phẩm tài chính phù hợp với đòi hỏi của một trung tâm tài chính;

Đào tạo các chuyên gia phân tích và dự báo về các phương pháp định lượng và các nền tảng phục vụ các đòi hỏi phân tích kinh tế và tài chính của một trung tâm tài chính;

Tổ chức các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng theo chủ đề về chính sách, công nghệ FinTech và quản lý IFC cho Sở tài chính, hiệp hội ngân hàng, nhà đầu tư tài chính ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng;

Nghiên cứu kinh nghiệm về các hạ tầng cần ưu tiên đầu tư phát triển để thúc đẩy sự hình thành và tăng cường tính cạnh tranh của IFC, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics và hạ tầng số;

Nghiên cứu kinh nghiệm về công cụ chính sách huy động vốn thông qua IFC cho các dự án hạ tầng chiến lược trong vùng TP. Hồ Chí Minh và ở cấp quốc gia…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng về những kết quả bước đầu mà Đại học Việt Đức đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đóng góp cho quan hệ hợp tác hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.

Phó Thủ tướng hy vọng, trên nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam- Đức, Đại học Việt Đức có thể đáp ứng được các nhu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và trong đào tạo các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ chip và bán dẫn, năng lượng tái tạo và năng lượng mới, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu…

Phó Thủ tướng nêu rõ: Đại học Việt Đức phải có định hướng đào tạo để đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu này; phải mời được các giáo sư hàng đầu về tài chính đến để giảng dạy, đào tạo, có như vậy chúng ta mới có thể tiệm cận nhanh nhất được với trình độ quốc tế; cùng với đó là phải nghiên cứu, tổ chức được các khóa đào tạo trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, xử lý các vấn đề rủi ro có thể phát sinh ở các trung tâm tài chính quốc tế với sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn của các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.