Truy trách nhiệm trong thao túng giá cổ phiếu
Góp phần không nhỏ vào hành vi thao túng giá trên thị trường chứng khoán chính là mối liên hệ giữa những người có chủ đích thao túng và các nhân sự tại công ty chứng khoán, dù là vô tình hay cố ý.
Trong những năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã liên tiếp đưa ra thông điệp sẽ mạnh tay hơn với các hành vi thao túng giá cổ phiếu để minh bạch thị trường. Trong quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) đã có 4 vụ thao túng giá chứng khoán bị khởi tố hình sự.
Những vụ sập sàn lịch sử
Thời gian gần đây, TTCK đang xôn xao về cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) với 26 phiên giảm sàn liên tiếp kể từ giữa tháng 8 tới nay.
Cụ thể, kể từ phiên ngày 15/8, cổ phiếu FTM liên tục giảm sàn từ 23.650 đồng/cp về 3.980 đồng/cp, tương ứng mất 83,2% giá trị, dư bán sàn lên tới vài triệu đơn vị mỗi phiên. Diễn biến này đã cuốn phăng phần lớn tài sản của các nhà đầu tư, khiến không ít nghi vấn về việc cổ phiếu FTM đang bị làm giá.
Nhận định đó được đưa ra tại cuộc họp của đại diện thuộc 11 công ty chứng khoán (CTCK) và 1 ngân hàng bị thiệt hại. Nhóm doanh nghiệp (DN) này cho rằng FTM có rất nhiều dấu hiệu bị thao túng bởi nhóm cổ đông lớn Lê Mạnh Thường – nguyên Chủ tịch HĐQT đã từ nhiệm từ tháng 4/2019.
Tại cuộc họp, các CTCK đã trao đổi thông tin và thống kê hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 CTCK có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả cho cổ phiếu FTM. Chủ của các tài khoản này đều là các cá nhân có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và liên quan trực tiếp đến ông Thường.
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án thao túng giá chứng khoán ở CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã: KSA) về tội “Thao túng TTCK” theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm C – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, cuối năm 2015, để tăng tính thanh khoản và thị giá cổ phiếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ phát hành 56,05 triệu cổ phiếu tăng vốn, bà Phạm Thị Hinh – nguyên Chủ tịch HĐQT đã lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo đẩy thị giá cổ phiếu KSA có lúc lên đến 60.000 đồng/cp, gần 1.500 nhà đầu tư tham gia mua bán.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, cổ phiếu KSA đồng loạt giảm sàn từ mức trên 40.000 đồng/cp thời điểm niêm yết về mức 480 đồng/cp, tương đương mất 98,8% trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc. Cổ phiếu được chuyển đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM nhưng cũng bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sàn.
Ngoài ra, những vụ việc điển hình khác như cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (công ty MTM) giảm tới 80% chỉ trong 2 tháng chính thức niêm yết; cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị giảm 91% với 34 phiên giảm sàn liên tiếp.
Bóng dáng của các CTCK
Trong trường hợp của FTM, nhận định ban đầu khi những phiên giảm sàn liên tiếp đầu tiên xảy ra là do những cổ phiếu này bị cắt margin sau quyết định đưa cổ phiếu ra khỏi danh mục ký quỹ của HoSE.
Thực tế, trong giai đoạn từ tháng 2-6/2019, khi cổ phiếu FTM tăng mạnh đã khiến nhiều người say trong lướt sóng nên đã không để ý đến BCTC soát xét bán niên của DN là con số âm.
Dấu hiện quan trọng khác của FTM đó là có sự “thay máu” nhân sự chủ chốt, thay đổi cơ cấu cổ đông từ cuối năm 2018. Theo công bố thông tin của FTM, từ cuối năm 2018, tại DN này có tới 9 cổ đông cá nhân với tỷ lệ nắm giữ lên đến hơn 90% vốn điều lệ công ty.
Đáng chú ý, thanh khoản của FTM luôn luôn “đầy ắp” tại vùng giá 14.000 đồng/cp, không có phiên giao dịch nào có khối lượng khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị nhưng ít giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trước diễn biến này, một chuyên gia chứng khoán cho rằng Fortex hoàn toàn có thể dễ dàng đẩy thanh khoản của cổ phiếu lên chỉ bằng “chiêu” lưu ký cổ phiếu ở một vài CTCK.
Tại Khoáng sản Bình Thuận, để thực hiện hành vi khớp lệnh chéo cổ phiếu KSA, Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo Trần Hồng Ngọc (nhân viên CTCK VSM) lập ra 69 tài khoản.
Phạm Thị Hinh cũng thỏa thuận với Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Trọng Hùng (đều là cựu nhân viên CTCK Maritime – MSI) sử dụng 69 tài khoản trên liên tục thực hiện việc mua, bán chứng khoán KSA để tạo cung cầu giả tạo trên thị trường nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Tương tự, vụ thao túng giá tại công ty MTM cũng có liên quan đến các nhân sự tại các CTCK.
Trong vụ việc này, Trần Hữu Tiệp khi đó là Chủ tịch HĐQT công ty MTM đã giao cho Phùng Thành Công - Trưởng ban Kiểm soát MTM và 2 nhân sự khác sử dụng 59 tài khoản chứng khoán mở tại CTCK Bảo Việt, CTCK Maritime, CTCK Sài Gòn (SSI) để tạo giao dịch ảo bằng cách liên tiếp đặt lệnh mua, bán khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm… tạo cung cầu giả.
Tháng 6/2016, HNX ra thông báo tạm ngừng giao dịch với cổ phiếu MTM trên sàn UPCoM; UBCKNN cũng có văn bản đề nghị công an điều tra. Tuy nhiên, lúc này đã có hơn 1.000 nhà đầu tư “đổ” hơn 56 tỷ đồng vào cổ phiếu MTM.
Nhìn vào những trường hợp điển hình về thao túng giá cổ phiếu có thể thấy đơn vị trung gian nhận lệnh mua – bán của các nhà đầu tư, mà cụ thể ở đây là các CTCK, cũng đã có những vi phạm nhất định.
Sai phạm sẽ bị xử lý, nhưng về bản chất vẫn là đạo đức của các nhà môi giới nhằm trở thành “tuyến phòng thủ thứ ba” hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có cho các nhà đầu tư, minh bạch thị trường.