Phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với hành vi thao túng thị trường


Dự kiến theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước Quốc hội và các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực với nhiều thay đổi liên quan đến thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, chế tài và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thực thi, kỳ vọng giúp việc xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán được triệt để, bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư đối với thị trường.

Trên thực tế, việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua ít được sử dụng. Không ít vụ thao túng giá chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán… được cơ quan quản lý phát hiện, nhưng mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, với lý do nhà quản lý cho rằng chưa đủ bằng chứng cấu thành vi phạm hình sự.

Mức phạt cao nhất cũng chỉ lên tới 600 triệu đồng, con số không nhiều ý nghĩa nếu so với khoản thu lợi được từ việc làm giá cổ phiếu. Đây là một trong những lý do khiến cho việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán chưa đảm bảo tính răn đe.

Theo ông Phan Dũng Khánh-Giám đốc Tư vấn Đầu tư, ngân hàng Maybank Kim Eng cho biết, theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên Facebook, Youtube, Zalo… có thể thấy những thông tin theo kiểu "phím hàng", định hướng rất nhiều. Theo ông Khánh, để ngăn chặn hành vi thao túng, tránh gây thất thoát cho nhà đầu tư, cần phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh và phải tuyên truyền nhiều hơn.

Tình trạng này có thể được cải thiện khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực với nhiều thay đổi liên quan đến thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, chế tài và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán.

Dự kiến theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước Quốc hội và các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận.

Theo ông Nguyễn Quang Việt- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), qua nhiều đợt lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đã tích cực tiếp thu, chỉnh sửa một cách nghiêm túc, đến nay, nội dung Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa các nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua”.

Ngoài việc bổ sung một số quyền cho UBCKNN, dự thảo Luật cũng quy định mức phạt tối đa như phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân cho hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ…; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Liên quan tới công tác giám sát thị trường, Dự thảo luật sẽ được giám sát theo 3 cấp thay cho 2 cấp như Luật Chứng khoán hiện hành. Theo đó, ngoài hai cấp như hiện nay là các sở giao dịch chứng khoán và UBCKNN, dự thảo luật bổ sung thêm 1 cấp là tại các công ty chứng khoán.

Dự thảo yêu cầu, các công ty chứng khoán nếu có phát hiện yếu tố bất thường khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thì phải có trách nhiệm báo cáo. Đây là thông lệ quốc tế được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, kể cả trong khu vực và các thị trường Âu, Mỹ.

Cùng với đó, cũng theo lãnh đạo UBCKNN, theo quy định của luật hiện hành, thẩm quyền của UBCKNN trong thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được như thông lệ quốc tế, như: được yêu cầu cung cấp thông tin, giải trình; tiếp cận dòng tiền; tiếp cận các thông tin viễn thông. Do vậy, tại dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm các quy định này, nhằm tăng hiệu quả quản lý, thanh tra giám sát thị trường, cũng như đảm bảo theo thông lệ chung quốc tế.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chánh thanh tra UBCKNN cho biết thêm, dự thảo luật đã nâng mức phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Tuy nhiên, qua quá trình cho thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị tăng thêm chế tài đủ mạnh để nâng tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, đặc biệt là các vi phạm nghiệm trọng.

Chính vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần đối với cá nhân.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư kí Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, nội dung của dự thảo nếu được thực thi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, để Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thực thi vẫn cần một thời gian khá dài và trong khoảng thời gian này, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát giao dịch trên thị trường để phát hiện sớm những hành vi làm giá cũng như vi phạm trên thị trường.

Dự kiến theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước Quốc hội. Sau đó, dự thảo luật sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ cùng trong chiều 6/6.

Chiều ngày 13/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).