Chấn chỉnh tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế

PV.

Nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày; một số bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng, thậm chí gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh… Trước thực tế này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp khắc chế kịp thời.

Ngăn chặn các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngăn chặn các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

63/63 tỉnh, thành sử dụng vượt Quỹ Khám chữa bệnh

Theo các dữ liệu mới được công bố trên Hệ thống giám sát của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã sử dụng vượt Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) được giao. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt Quỹ KCB khoảng 30% như: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày. Tính riêng trong tháng 2/2018, một số cơ sở KCB tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chi phí KCB lớn nhưng gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, thậm chí có bệnh viện gửi dữ liệu chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh...

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người, BHXH tự nguyện là 240 nghìn người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Về thực hiện chính sách BHYT, tính đến ngày 26/3/2018, toàn Ngành đã ký hợp đồng KCB BHYT với 2.316 cơ sở y tế, trong đó có 1.669 cơ sở công lập, 647 cơ sở ngoài công lập (43 cơ sở tuyến trung ương, 655 cơ sở tuyến tỉnh, 1.407 cơ sở tuyến huyện và 211 cơ sở tuyến xã). Trong số này, có 1.996 cơ sở KCB BHYT thanh toán theo phí dịch vụ, 320 cơ sở thanh toán theo định suất.

Kiểm soát chặt Quỹ BHYT

Để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT khi đi KCB, sử dụng Quỹ KCB BHYT đúng mục đích, hiệu quả, BHXH Việt Nam đã đề ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện công khai các dịch vụ, danh mục thuốc, vật tư được thanh toán BHYT, tích cực giải thích để người dân hiểu đúng quyền lợi của mình; Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chấn chỉnh việc thu thêm các chi phí bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi BHYT của người tham gia.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện giao kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; dự toán thu - chi cho từng BHXH tỉnh, thành phố.

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; cập nhật, hoàn thiện việc cấp mã số BHXH cho người tham gia trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; hoàn thiện dữ liệu và trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.

Thứ tư, nghiên cứu dự thảo về mẫu và quy trình kiểm soát dữ liệu cấp và quản lý thẻ BHXH, thẻ BHYT điện tử; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN, phấn đấu mở rộng cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về KCB BHYT tại các cơ sở KCB trên toàn quốc, kiên quyết xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.