Từ 1/6 thực thi Thông tư 22: Doanh nghiệp lo ế vàng trang sức
(Tài chính) Trước thực trạng bát nháo của thị trường vàng trang sức, Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành Thông tư 22 với mong muốn lập lại trật tự của thị trường này cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Với nhiều quy định mới khá "hóc búa” tại Thông tư này, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng trang sức đang như… "ngồi trên lửa”.
Kỳ vọng thị trường "thay da đổi thịt”
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc ban hành quy định về hệ thống tiêu chuẩn đo lường và chất lượng vàng trang sức khi lưu thông trên thị trường với những quy định chặt chẽ trong Thông tư 22 sẽ giúp cho thị trường này đi vào quy củ. Đặc biệt, quyền lợi người tiêu dùng sẽ không còn bị ảnh hưởng như trước đây.
Trên thực tế, thị trường vàng trang sức hoạt động khá tự do trong một thời gian dài, đã khiến nhiều DN, đối tượng kinh doanh nảy sinh những ý định chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Bằng cách khắc đại tuổi vàng hoặc khắc bừa một ký hiệu nào đó lên sản phẩm cho gọi là "có đảm bảo”, nhiều đối tượng đã thực hiện được hành vi móc túi người tiêu dùng một cách dễ dàng.
Nhiều DN kinh doanh vàng lớn, có thương hiệu cảm thấy rất đồng tình với việc siết lại thị trường vàng của nhà quản lý, bởi theo họ, thời gian qua, đã tồn tại thực trạng không ít DN thay vì cạnh tranh bằng phí gia công, mẫu mã thì lại giảm tuổi vàng. Kiểu làm ăn chụp giật này không những gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các DN vàng làm ăn chân chính. Thực trạng này cũng đang khiến chất lượng vàng trang sức của Việt Nam không đồng đều, nếu không muốn nói phần lớn là rất kém.
Bởi vậy, Thông tư 22 ra đời thực sự là một tấm "barie” không những chấn chỉnh lại sự bát nháo trên thị trường vàng trang sức hiện nay, mà còn giúp cho quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo. Bên cạnh đó, thương hiệu nữ trang Việt Nam sẽ không còn bị định kiến kém chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế.
Và dư luận xã hội kỳ vọng, 1/6 tới đây sẽ là thời điểm đánh dấu sự "thay da đổi thịt” của thị trường này.
Doanh nghiệp lo ế
Tuy nhiên, phía các DN kinh doanh vàng vẫn đang rất loay hoay với Thông tư này. Nhiều DN đồng tình với việc Thông tư 22 được ban hành, tuy nhiên họ vẫn lo ngại về một số quy định trong Thông tư khó khả thi cũng như thời điểm thực thi Thông tư chưa hợp lý. Nhiều DN cho biết một số quy định của thông tư rất khó thực hiện. Cụ thể, trong Thông tư yêu cầu tỉ lệ sai số cho phép về hàm lượng vàng giữa DN sản xuất và DN kinh doanh chỉ từ 0,1%-0,3% (trước nay con số này từ 1%-3% để bù đắp chi phí sản xuất, nhân công, nguyên liệu vàng). Nếu sai số cho phép quá ít sẽ làm đội chi phí giá sản phẩm lên từ 3-5 lần, trong khi sức mua thấp như hiện nay DN sẽ càng khó khăn.
Bên cạnh đó, không ít DN lo ngại, việc thực hiện Thông tư quá sớm (1/6/2014, nghĩa là chỉ còn khoảng hơn 1 tháng) sẽ khiến thị trường tồn kho hàng triệu sản phẩm vàng trang sức, bởi do thực thi theo tiêu chuẩn cũ (sai số cho phép hàm lượng vàng từ 1-3%), nhiều sản phẩm chắc chắn không phù hợp với quy định hiện nay.
Trước những lo ngại về tồn kho một lượng vàng trang sức không nhỏ, gây thiệt hại cho DN, tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 22 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều DN trong Hội đã có đề xuất nên hoãn thời gian thực hiện Thông tư 22 sang năm 2015 để các DN có thêm thời gian tiêu thụ hết số sản phẩm còn tồn đọng.
Đề xuất này của các DN không phải thiếu hợp lý, do tính chất, nội dung trong quy định về sai số cho phép hàm lượng vàng ở quy định mới và quy định cũ là khác nhau. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu trì hoãn thêm thời gian cho DN, cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có thêm thời gian… bị ảnh hưởng quyền lợi.
Không đồng tình với việc gia hạn thêm thời gian, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Thông tư đã được ban hành hơn nửa năm nay, chừng ấy thời gian cũng đã đủ để các DN thực hiện được các yêu cầu đưa ra trong quy định của Thông tư 22.
Ông Hiếu cũng bày tỏ lo ngại, nếu rời lại thời hạn thực hiện Thông tư nói trên, sẽ tạo nên những tiền lệ về việc quy định được ban hành nhưng không được thực hiện nghiêm túc, đúng thời điểm, gây nên sự bất đồng trong dư luận xã hội.