Từ 1/7/2014: Không hiểu luật Mỹ, ngân hàng Việt có thể mất 30% thu nhập
(Tài chính) Các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD) có thể chịu rủi ro bị khấu trừ 30% thu nhập trên các nguồn thu có nguồn gốc từ Hoa Kỳ do không tuân thủ Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA).
Đây là nội dung đáng chú ý trong văn bản khuyến nghị mới được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 23/6/2014.
Cụ thể, các TCTD Việt Nam đã đăng ký với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) và được cấp mã GIIN có nghĩa là đã tham gia vào thỏa thuận FFIs (thỏa thuận FFIs là thỏa thuận giữa tổ chức tài chính với IRS để cam kết tuân thủ FATCA). Ngày 30/6/2014, thỏa thuận FFIs bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo khung thời gian tuân thủ FATCA đối với các TCTD đã tham gia vào thỏa thuận FFIs, kể từ ngày 01/7/2014, TCTD phải thực hiện những công việc sau:
Thứ nhất, thu thập thông tin đối với khách hàng mới (khách hàng mở tài khoản mới tại TCTD kể từ ngày 01/7/2014): TCTD phải sửa đổi hoặc xây dựng quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng để xác định chủ tài khoản Hoa Kỳ là công dân Hoa Kỳ hoặc có dấu hiệu Hoa Kỳ (U.S indicia). Đối với khách hàng là tổ chức Hoa Kỳ và tổ chức nước ngoài có sở hữu đáng kể bởi Hoa Kỳ (tổ chức nước ngoài có ít nhất 1 cổ đông chính sở hữu trên 10% cổ phần của tổ chức là công dân, thường trú nhân Hoa Kỳ), việc thu thập thông tin đối với khách hàng mới sẽ tiến hành từ ngày 01/01/2015. TCTD cần yêu cầu chủ tài khoản Hoa Kỳ kê khai các mẫu biểu và cung cấp các tài liệu chứng minh phù hợp theo hướng dẫn tại văn bản này.
Thứ hai, rà soát thông tin khách hàng hiện tại (khách hàng mở tài khoản tại TCTD trước ngày 01/7/2014): TCTD cần tiến hành rà soát thông tin đối với khách hàng hiện tại là cá nhân có tổng số dư tài khoản tại thời điểm 30/6/2014 là từ 50.000 USD trở lên và tổ chức có tổng số dư tài khoản tại thời điểm 30/6/2014 là từ 250.000 USD trở lên để xác định khách hàng là chủ tài khoản Hoa Kỳ và thu thập thông tin về khách hàng. Thời hạn hoàn tất việc rà soát thông tin khách hàng hiện tại như sau: Tài khoản cá nhân có giá trị cao (số dư tài khoản lớn hơn 1 triệu USD) là 30/6/2015; Các tài khoản còn lại (tài khoản cá nhân có giá trị thấp từ 50.000 đến 1 triệu USD và tài khoản của tổ chức) là 30/6/2016.
Thứ ba, trong năm 2014, TCTD phải thu thập các thông tin sau đây về khách hàng để chuẩn bị cho việc gửi báo cáo cho IRS vào năm 2015: Tên chủ tài khoản (đối với tổ chức phi tài chính nước ngoài bị động (Passive NFFE), yêu cầu tên của tất cả cổ đông chính (substantial) Hoa Kỳ); Mã số thuế tại Hoa Kỳ (TIN) của chủ tài khoản Hoa Kỳ (tổ chức phi tài chính nước ngoài bị động chỉ yêu cầu TIN của các cổ đông chính Hoa Kỳ); Địa chỉ chủ tài khoản (đối với tổ chức phi tài chính nước ngoài bị động chỉ yêu cầu địa chỉ của các cổ đông chính Hoa Kỳ); Số tài khoản; Số dư hoặc giá trị tài khoản (bao gồm cả các tài khoản chống đối).
Thứ tư, bắt đầu khấu trừ 30 % đối với các khoản thu nhập cố định thường niên và định kỳ có thể xác định được (Fixed, Determinable, Annual, Periodical income - FDAP income) có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đối với các chủ tài khoản chống đối và các định chế tài chính nước ngoài không tuân thủ FATCA. Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về việc thực hiện khấu trừ thuế theo yêu cầu của FATCA, trường hợp TCTD phát sinh nghĩa vụ khấu trừ tại thời điểm chưa có hướng dẫn của NHNN, đề nghị TCTD có văn bản báo cáo NHNN (qua Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Đối với các TCTD chưa đăng ký mã GIIN: TCTD phải nghiên cứu, cân nhắc tới rủi ro có thể bị khấu trừ 30% thu nhập trên các nguồn thu có nguồn gốc từ Hoa Kỳ do không tuân thủ FATCA để quyết định có thực hiện đăng ký mã GIIN với IRS hay không.
NNHN khẳng định, các TCTD phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tổn thất có thể xảy ra do không đăng ký mã GIIN để cam kết tuân thủ FATCA.
LỘ TRÌNH ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA FATCA |