Tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập: Thu vượt, thu sai quy định

Theo Khải Minh/daibieunhandan.vn

Qua kiểm toán một số trường đại học công lập cho thấy, số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ quốc phòng an ninh ngoài quy định là hơn 14.567 tỷ đồng. TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 cho biết thông tin này tại hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” sáng 19/3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa chú trọng nâng chất lượng đào tạo

Công tác quản lý tài chính tại các trường đại học công lập thí điểm tự chủ đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực kiện toàn quy chế chi tiêu nội bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý. Việc giao quyền cũng tăng tính chủ động, trách nhiệm và tăng nguồn lực hoạt động cho các trường. Số liệu thống kê qua các năm của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp nhiều trường đại học công lập chủ động tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân sách, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, qua kiểm toán cho thấy, một số trường đại học công lập mới chỉ chú trọng thực hiện tự chủ về tài chính mà chưa chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng một số trường thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định.

Mặt khác, một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo - vốn là mục đích chính của tự chủ đại học. Theo kết quả kiểm toán một số trường, số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ quốc phòng an ninh ngoài quy định là hơn 14.567 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Tú Khánh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục - Đào tạo) lý giải, hiện nay, nguồn tăng thu chủ yếu là học phí và tăng quy mô đào tạo chứ chưa huy động được các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo  hợp đồng cho các  tổ chức và cá nhân trong nước… Một số trường đại học được tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ.

Trong thời gian dài, do bị khống chế về trần học phí theo Nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí, mức trần học phí thường thấp, thu không đủ chi, cho nên một số cơ sở giáo dục đại học “xé rào”, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.

Thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thu học phí tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 86 mà không thu thêm bất cứ khoản thu “trá hình” nào. Tuy nhiên, PGS. TS. Phạm Xuân Hoan, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trần học phí theo Nghị định 86 tương đối thấp, trong khi chi phí đào tạo cao hơn, điều này tạo sức ép tài chính tương đối lớn cho các trường đại học công lập trong quá trình tự chủ.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập, TS. Lê Đình Thăng cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học như chính sách về lao động, tiền lương, công chức, viên chức, chính sách học bổng, hỗ trợ học tập; nghiên cứu thay việc hỗ trợ ngân sách nhà nước theo mức độ tự chủ của các trường đại học công lập sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công. Từ đó thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công...

Cùng với đó, TS. Trần Tú Khánh kiến nghị Chính phủ cần trao nhiều quyền tự chủ về mức thu hơn nữa cho các trường đại học công lập, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, bảo đảm nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí.

“Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học. Về phía các trường đại học, phải xây dựng được chiến lược tài chính hợp lý cho đầu tư cơ sở vật chất trong ngắn hạn và dài hạn; coi trọng và tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài” - TS. Trần Tú Khánh nói.