Tự hủy niêm yết, lợi bất cập hại
Việc hủy niêm yết không phải là câu chuyện mới đối với các doanh nghiệp yếu kém, vi phạm quy định, nhưng có không ít doanh nghiệp “tự nhiên” muốn rời sàn. Đây là quyền của mỗi doanh nghiệp nhưng theo các chuyên gia, cần phải suy tính kỹ trước khi đưa ra quyết định.
CTCP Đại Thiên Lộc (mã: DTL) vừa công bố thông tin đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy niêm yết tự nguyện tại HoSE và sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản là 18/10.
Quyền của doanh nghiệp
Mặc dù thông báo lấy ý kiến hủy niêm yết không nêu rõ lý do nhưng được biết năm 2018, công ty bị lỗ 17,2 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục lỗ thêm 37,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2019 là âm 277,8 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu DTL đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2019.
Ngay sau khi công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông nêu trên, cổ phiếu DTL đã liên tiếp giảm từ 27.950 đồng/ cp (phiên 26/9) xuống 25.450 đồng/cp (phiên 8/10), khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ 17 đơn vị mỗi phiên. Nhiều phiên giao dịch trước đây, thanh khoản của cổ phiếu DTL cũng rất èo uột, có phiên không có mua hay bán.
Hồi đầu năm, CTCP Công nghệ mạng và Truyền thông (Infonet) cũng xin hủy niêm yết tự nguyện 8 triệu cổ phiếu CMT trên sàn HoSE. Nguyên nhân Infonet đưa ra động thái tự nguyện huỷ niêm yết là để tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển DN và chuyển xuống giao dịch tại UPCoM.
Hủy niêm yết tự nguyện từ sàn chính thức xuống sàn tập trung không còn là câu chuyện quá mới mẻ trên thị trường chứng khoán (TTCK), thậm chí có những DN còn hủy niêm yết hoàn toàn.
Tuy nhiên, đặc điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy của các DN xin hủy niêm yết đều là vốn ít, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí thua lỗ như Đại Thiên Lộc, trong khi thanh khoản cổ phiếu duy trì ở mức thấp.
Thực tế, khi niêm yết lên sàn, DN mong muốn tiếp cận thêm một kênh huy động vốn, tạo thanh khoản cho cổ phiếu nhằm tăng giá trị của DN. Tuy nhiên, một vài đơn vị “vỡ mộng” khi phải đối mặt với nhiều áp lực giám sát của các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó là áp lực nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì giá cổ phiếu trên TTCK. Ngoài ra, việc giao dịch chứng khoán sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi, dẫn đến sự biến động trong quản lý, quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.
Lợi bất cập hại
Theo một lãnh đạo sàn HoSE, trừ khi bị hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm quy định, còn trường hợp tự nguyện rút niêm yết là quyền của DN và sự nhất trí của các cổ đông. Các nhà đầu tư không nên quá nhạy cảm với tình huống này, mà hãy coi là điều bình thường.
Nhìn chung, tâm lý “chán” niêm yết xuất hiện trên TTCK từ nhiều năm trở lại đây khi giao dịch rơi vào tình trạng ảm đạm, giá cổ phiếu xuống dốc. Chất lượng nguồn hàng mới thấp, nguồn hàng cũ kém khiến các DN tốt không muốn lên sàn, DN lên rồi lại muốn xuống.
Thực tế, khi hủy niêm yết thì đối tượng thiệt thòi nhất chính là DN và khi muốn hủy niêm yết thì các DN thường đưa ra rất nhiều lý do khách quan.
Một số DN cho rằng khó huy động vốn qua kênh chứng khoán và việc giá cổ phiếu suy giảm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Một số DN rời sàn để tái cấu trúc, một số khác lại cho rằng do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Thế nhưng, mọi lý do của DN đưa ra đều bị nghi ngờ, giới đầu tư luôn đặt những câu hỏi về sự thật đằng sau đó, ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông. Bởi lẽ, dưới cái nhìn của các nhà đầu tư đặc biệt là khối ngoại, những DN niêm yết trên sàn luôn được coi là đại diện tiêu biểu của nền kinh tế.
TTCK là một kênh huy động vốn quan trọng dù cũng có không ít khó khăn, việc hủy niêm yết tự nguyện đồng nghĩa với việc DN đã tự đánh mất kênh huy động vốn của mình.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết việc đối diện với áp lực giám sát, cũng như phải minh bạch công khai tình hình “sức khỏe” sẽ giúp DN ngày càng hoàn thiện, nhưng khi không chịu được áp lực mà hủy niêm yết sẽ là một “vết đen” trong lịch sử.
Vị này nhấn mạnh dù DN uy tín đến đâu, làm ăn tốt như thế nào thì việc hủy niêm yết trong quá khứ cũng sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là việc hợp tác với đối tác nước ngoài, bởi các đối tác này thường rất ngại sự thiếu minh bạch thông tin sau hủy niêm yết.
Đặc biệt, khi đã hủy niêm yết, việc quay lại sàn chứng khoán sẽ khá “chật vật” bởi sẽ có những tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao cụ thể hóa bằng văn bản. Ngoài ra, niềm tin đã đánh mất đối với các nhà đầu tư là rất khó lấy lại.
“Khi thị trường lên, các DN thi nhau phát hành cổ phiếu để huy động vốn, nhưng khi thị trường đi xuống thì tìm đủ mọi cách để rời sàn là điều không thể chấp nhận được”, một nhà đầu tư cho biết.