Tư tưởng canh tân trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX


Vào cuối thế kỷ XIX, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, rối ren về chính trị và đứng trước nguy cơ mất nước. Chính vì thế, vấn đề canh tân, đổi mới đất nước trong bối cảnh đó là một yêu cầu vô cùng bức thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong số các tri thức đề ra tư tưởng canh tân đất nước của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ nổi lên là một nhà canh tân tâm huyết, tiêu biểu nhất vì các đề xuất canh tân của Ông bao quát và toàn diện. Bài viết phân tích về các tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ trong thế kỷ XIX, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, tại làng Bùi Chu, Hải Đô, Hưng Nguyên, Nghệ An.  Được gửi sang Pháp học với thời gian ngắn (trong gần 2 năm) ông đã có cơ hội tiếp xúc, tiếp thu tri thức khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội phương Tây. Trong những năm thập kỷ 60 của thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần đề xuất canh tân nhằm mục đích xây dựng, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiến tới phát triển. Các bản điều trần đề cập đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính sách ngoại giao và quân sự, trong đó nhiều nội dung tập trung vào lĩnh vực kinh tế, cụ thể là về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp và thuế khóa.

Tư tưởng canh tân về công nghiệp

Tư tưởng canh tân về công nghiệp của Nguyễn Trường Tộ tương đối toàn diện, từ việc đề nghị lập kế hoạch khai thác các nguồn lợi đến mở cửa cho nước ngoài vào đầu tư khai thác tiềm năng của đất nước. Ông nhận thấy rõ nguồn lợi tài nguyên phong phú của đất nước, tầm quan trọng của nguồn lợi này trong việc khôi phục và phát triển kinh tế. Trong tư tưởng canh tân về công nghiệp, ông coi trọng đến lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, theo Nguyễn Trường Tộ phải có kế hoạch và cần nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực địa chất, về thăm dò và khai thác mỏ. Ông đề nghị, Triều đình nên nhờ hội kinh doanh của Pháp ở nước ngoài giúp khai thác một số mỏ nhất định (hình thức như hợp tác quốc tế hiện nay), nhờ đó, nước ta sẽ có nguồn lợi mới, Nhà nước có tiền thuê đất, thuê nhà và người lao động học được nghề.

Trong tư tưởng canh tân đối với ngành Công nghiệp, Nguyễn Trường Tộ còn chú trọng đến ngành Luyện kim. Ông từng trình bày về sự phát triển của ngành Luyện kim ở Pháp và nêu lên sự cần thiết của sắt trong phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế. Ông lý giải, để có nhà máy luyện kim ngay lúc đó thì ta “chưa đủ tiền, đủ sức để làm” nhưng nhất định phải làm. Ông đề nghị, việc nộp sắt của dân từ trước tới nay được thay bằng việc nộp tiền để đặt mua hàng ở các hãng nước ngoài, việc này tiện cho Nhà nước và cả cho người dân.

Tư tưởng canh tân về nông nghiệp

Dưới triều Nguyễn, sở hữu tư nhân về ruộng đất đã phát triển hơn các triều đại trước rất nhiều nhưng vẫn chưa chiếm ưu thế so với sở hữu Nhà nước (trên danh nghĩa, nhà vua là chủ sở hữu toàn bộ đất đai trong cả nước). Nhà nước phong kiến triều Nguyễn cho phép ruộng tư phát triển nhưng vẫn duy trì chế độ ruộng công nên quá trình tư hữu hoá ruộng đất bị kìm hãm (Lê Thị Lan, 2006).

Mặc dù, hơn 90% dân số sống bằng nghề nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp nước ta lúc bấy giờ giảm sút nghiêm trọng, dự trữ lúa gạo trong kho Nhà nước không còn nhiều, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn. Nhận thấy tình trạng nền nông nghiệp còn lạc hậu, kỹ thuật canh tác kém, không biết tận dụng hết thiên thời địa lợi sẵn có, do vậy, để cải tạo nền nông nghiệp, Nguyễn Trường Tộ đề xuất các biện pháp sau:

Thứ nhất, chỉnh cương biên giới, lập chính sách khai hoang và cải thiện hệ thống kênh đào phục vụ cho nông nghiệp. Theo đó, chỉnh cương giới và khai hoang với những phương pháp cụ thể và thiết thực vì ranh giới ruộng đất nước ta thời nhà Nguyễn chưa rõ ràng, đất đai hoang hóa còn nhiều... làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Vấn đề chỉnh cương biên giới, lập chính sách khai hoang, Nguyễn Trường Tộ coi là “một chính sách lớn” trong nông nghiệp mà các nước trên thế giới đều quan tâm.

Thứ hai, lập một bộ canh nông và đào tạo nông quan biết kỹ thuật canh tác nông nghiệp: Nguyễn Trường Tộ từng kiến nghị lên triều đình Huế: “Sở dĩ nhân dân các nước phương Tây giàu có phần nhiều là nhờ nghề nông. Cho nên cần đặt ra một Bộ do một vị đại quan cầm đầu coi sóc”. Theo Nguyễn Trường Tộ, phải chú trọng ngay đến việc đào tạo đội ngũ quan nông nghiệp chuyên lo nông nghiệp. Quan nông không những phụ trách về nông nghiệp mà còn phụ trách cả về lâm nghiệp. Đội ngũ quan nông này được đào tạo để nắm chắc các kiến thức về thiên văn, địa lý, thực vật, địa khí tượng và tổ chức nông nghiệp. Mỗi một huyện, chọn trong số các cử nhân, tú tài để đào tạo “Nông chính toàn thư”, theo phương châm vừa học vừa làm. Để góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, triều đình nên sớm mở trường nông chính, học tập khoa học nông nghiệp phương Tây, đúc rút kinh nghiệm phát triển cho nền nông nghiệp nước ta.

Thứ ba, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả: Nền nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu và không phát triển, theo Nguyễn Trường Tộ là do khoa học nông nghiệp chưa có gì, kỹ thuật canh tác lạc hậu, tổ chức chỉ đạo sản xuất kém. Để cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển nông nghiệp, theo ông, trước hết cần phải khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài. Trong ba văn bản về nông nghiệp gồm Di thảo số 18, 27 và 53 (trang 16, 221, 259, 466), Nguyễn Trường Tộ chủ yếu đề cập đến cải tiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Cụ thể như, trong Di thảo số 53, về chính sách nông nghiệp (viết ngày 20/8/1871 - tức ngày 4/10/1871), Nguyễn Trường Tộ đã nhấn mạnh, nếu nhất định và thực tâm thi hành nông chính theo đúng luật pháp thì lợi ích sẽ không thể kể xiết. Ông nêu lên 10 điều lợi để thúc giục Triều đình thực hiện khai hoang, mở mang diện tích gieo trồng, gấp rút phát triển nông nghiệp.

Tư tưởng canh tân về thương nghiệp

Triều Nguyễn triệt để thi hành chính sách trọng nông ức thương nên đã phục hồi được nền nông nghiệp vốn bị sa sút nghiêm trọng, triền miên do các cuộc nội chiến. Song chính sách này đã kìm hãm sự phát triển của các thành phần kinh tế khác như thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Cả nội thương và ngoại thương đều kém phát triển. Các ngành này chỉ được duy trì ở mức độ thấp, nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhân dân và phục vụ cho hoàng gia cũng như triều đình (Lê Thị Lan, 2006). Trong bối cảnh đó, đối với thương nghiệp, Nguyễn Trường Tộ chủ trương giao lưu hàng hóa bằng ngoại thương cũng như nội thương, cụ thể:

Đối với ngoại thương

Nguyễn Trường Tộ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc mở rộng cửa biển cho tàu bè các nước vào làm ăn buôn bán. Trong nhiều bản điều trần được gửi lên triều đình Huế, Nguyễn Trường Tộ luôn đề cập đến nhu cầu mở rộng cửa biển cho tàu bè các nước vào buôn bán, cho đó là một xu thế chung, tất yếu của thế giới mà Việt Nam không thể đi ngược lại và để dân giàu nước mạnh phải mở cửa giao lưu với nước ngoài. Nhằm phát triển ngoại thương của nước nhà, ông đã đưa ra một số đề nghị đối với triều đình, cụ thể như sau: (i) Triều đình nắm phương tiện vận tải, mua sắm tàu để tổ chức buôn bán với nước ngoài và khuyến khích tư nhân bỏ vốn ra kinh doanh buôn bán; (ii) Khai cảng, đào kênh, mở rộng giao thương.

Đối với nội thương

Nguyễn Trường Tộ trăn trở nhất là đường giao thông, vận chuyển hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa nước ta lúc đó chủ yếu bằng đường biển, Nguyễn Trường Tộ nhận thấy rất rõ việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gặp nhiều khó khăn vì nạn cướp biển và thiên tai bão tố nên đề nghị đào một con kênh lớn từ tỉnh Hải Dương đến Thừa Thiên - Huế để khắc phục những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa nhằm “có thể lưu thông được tất cả ghe lớn, ghe nhỏ, thuyền quan, thuyền dân, rồi lập trạm thu thuế” và tạo điều kiện cho dân gian buôn bán làm ăn, đi Nam về Bắc, “mang lại lợi lớn và lâu dài không những cho quốc gia mà cho cả các tỉnh, hễ ghe thuyền nhiều thì thuế nhiều, Nhà nước có lợi”.

Tư tưởng canh tân về thuế khóa

Tài chính của Nhà nước phong kiến thời Nguyễn Trường Tộ chủ yếu nhờ vào thuế (thuế đinh và thuế điền). Theo Nguyễn Trường Tộ, nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân, tuy nhiên, mức nộp thuế phải công bằng và hợp lý. Nguyễn Trường Tộ cũng đề ra một số biện pháp thu thuế nhằm tăng ngân khố của Nhà nước:

Một là, đề nghị đo đạc ruộng đất, kê khai dân số hàng năm để tránh thất thu và gian lận. Nhà nước phải đo đạc lại điền thổ nhằm tránh thất thu thuế, kê khai nhân khẩu hàng năm, nắm rõ dân số nhằm tránh việc các lý dịch thường gian lận, kê khai thấp số dân trong xã để nộp thuế lên cho nhà nước ít nhưng vẫn thu đủ của dân.

Hai là, đề nghị tăng đánh thuế và thu thuế các loại hàng hóa xa xỉ và các hoạt động như đánh bài sòng bạc, rượu, thuốc lá… bao gồm việc đánh thuế người giàu; đánh thuế thuốc lá và đặc biệt là thuốc phiện; đánh thuế nặng trên các hàng xa xỉ ngoại nhập như trà tàu, tơ lụa hoa mỹ nhằm tăng nguồn tài chính và bảo vệ hàng nội địa; Đánh thuế nặng việc chơi cờ bạc, nghiêm cấm bằng cách phạt từ 1.000 đến 3.000 quan; Đánh thuế rượu, chè, hát xướng và du hí vì những việc đó vô bổ, làm tốn tiền nhân dân và gây nhiều tệ nạn.

Tóm lại, sự xuất hiện của trào lưu canh tân đất nước ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX cho thấy, đây là "phương thuốc" cho một thời kỳ nguy cấp của lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Trường Tộ là một trí thức có tư tưởng canh tân xuất sắc ở nước ta thế kỷ XIX. Tư tưởng canh tân của Ông đã vượt xa tầm suy nghĩ của giới trí thức Nho học Việt Nam lúc bấy giờ, nó góp phần thức tỉnh lương tri, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước thương dân của người Việt Nam. Những tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ tuy không được triều đình nhà Nguyễn thực thi nhưng vẫn mang tính thời sự và để lại nhiều bài học có giá trị thực tiễn cho đến nay.