Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí
(Taichinh) - Văn hóa báo chí là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động báo chí. Nó biểu hiện trong nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó. Có thể nói, văn hóa báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cái hay, cái đẹp, và là các giá trị bền vững của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người và xây dựng xã hội mới.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, là một bộ phận cơ bản, quan trọng không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là tư tưởng nhất quán trong tư tưởng của Người nói chung và về văn hoá báo chí nói riêng.Có thể nêu những quan điểm cơ bản về văn hóa báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh là:
Thứ nhất, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Điều này được khẳng định khi Hồ Chí Minh coi báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc và của Đảng. Báo chí là bộ phận của công tác tư tưởng, luôn gắn liền với hoạt động của Đảng, phục vụ mục tiêu của cách mạng. Báo chí là diễn đàn rộng rãi, dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Có mục đích chiến đấu rõ ràng, báo chí cần thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ của báo chí vô sản. Hồ Chí Minh chỉ rõ: mục đích của báo chílà “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”(1). Từ việc nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén, là diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sáng lập ra nhiều báo. Le Paria là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niêntrên thực tế, đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén chĩa vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc và tay sai của chúng ở trong nước và nước ngoài, làm “đòn xoay chế độ”, góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nói chuyện với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Người nói về đề tàicủa mình: “Tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”(2).
Thứ hai, báo chí góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển con người toàn diện.
Hồ Chí Minh cho rằng báo chí cách mạng có chức năng giáo dục, giúp cho dân chúng “mở mắt, mở tai”, hiểu biết đúng, sai, chính, tà… Báo chí cần đem chủ trương của đoàn thể, của Chính phủ để giải thích cho dân, để cho mọi người cùng hiểu, cùng đồng tâm hiệp lực làm cho được, đem kinh nghiệm hay việc làm tốt mà phổ biến cho dân chúng noi theo. Hồ Chí Minh còn coi báo chí như là một diễn đàn để huấn luyện và giáo dục về chính trị, nghiệp vụ và đạo đức. Người nói: “Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”(3). Người yêu cầu: “Trong báo Đảng có những mục giải thích về: Lý luận Mác - Lênin. Tình hình thế giới và trong nước. Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ. Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết. Đời sống và ý nguyện của nhân dân. Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương. Cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình…”(4). Người chỉ ra phương hướng của việc giáo dục lý luận trên báo, nêu rõ các phương châm giáo dục lý luận chính trị, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, học để làm việc, làm người. Những tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh đều là những tác phẩm mẫu mực về tính giáo dục của báo chí.
Theo Người, báo chí phải góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, giúp cho người đọc bổ sung vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, giúp cho người dân có kiến thức mới xây dựng nếp sống mới để xây dựng đất nước thành quốc gia có nền văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Và như vậy, báo chí là một nhân tố quan trọng để phát triển con người toàn diện.
Thứ ba, xây dựng một nền báo chí cách mạng mang tính nhân dân và tính quần chúng.
Theo Người, báo chí phải bảo đảm tính nhân dân, phổ thông, đại chúng. Người căn dặn: “Ta là cán bộ cách mạng, ta viết và nói cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được”(5).
Hồ Chí Minh thường nhắc nhở những người làm báo, báo chí không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Chính phủ. Người dạy các nhà báo phải chú ý đến đối tượng bạn đọc. Cần viết sao cho phù hợp với trình độ của đại đa số dân chúng Việt Nam, cho người ta thích đọc, đọc rồi hiểu và dễ dàng vận dụng, làm theo. Vì vậy, những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng và phải học cách nói của nhân dân: “Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân...”(6).
Trên cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc hoạt động và phát triển các tờ báo cách mạng nhằm hướng đến phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Người nhiều lần nhắc nhở những người làm báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”(7). Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”(8). Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, hạn chế dùng từ nước ngoài... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Báo chí phải phục vụ nhân dân trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.
Tính nhân dân và tính quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí, chính là biểu hiện mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động - những người sáng tạo chân chính của lịch sử. Tính nhân dân chính là sự tham gia tích cực, thường xuyên của đông đảo nhân dân vào các hoạt động của báo chí, đồng thời mọi sản phẩm của báo chí phục vụ nhu cầu lành mạnh của quần chúng. Sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân đã làm cho báo chí thực sự trở thành diễn đàn dân chủ. Bên cạnh đó báo chí cũng thu hút được trí tuệ, tài năng, sáng tạo của toàn xã hội, để nâng cao tính hấp dẫn, tính trí tuệ của báo chí.
Thứ tư, bảo đảm tính trung thực, khoa học nhằm định hướng dư luận vì sự tiến bộ của xã hội.
Người yêu cầu báo chí phải có sắc thái riêng. Người luôn nhắc nhở: “Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán”(9). Người căn dặn những người làm báo: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”(10). Theo Hồ Chí Minh, để lôi cuốn được công chúng, báo chí đòi hỏi phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người đọc, vì “sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”(11).
Tính trung thực hấp dẫn của báo chí nhằm hướng đến vấn đề định hướng dư luận của báo chí vì sự phát triển của cách mạng cũng như sự tiến bộ của xã hội. Hồ Chí Minh đòi hỏi báo chí phải lãnh đạo dư luận. Người nói: “không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân”(12) là một trong những khuyết điểm của báo chí. Dư luận có vai trò to lớn trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, tố cáo bộ mặt xâm lược và các tội ác chiến tranh của chúng, phát động lòng căm thù trong nhân dân, thúc đẩy họ đứng lên giết giặc lập công. Dư luận cũng có vai trò to lớn trong đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Theo Hồ Chí Minh, báo chí không chỉ lãnh đạo dư luận mà cần phải lãnh đạo, tổ chức các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Phương pháp lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng là rất sinh động và có sức thuyết phục lớn. Người trực tiếp viết những bài báo biểu dương những người tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng các anh hùng chiến sĩ thi đua, khen thưởng cho những người có thành tích.
Thứ năm, quyền tự do báo chí như là một bộ phận của quyền con người.
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, với tư cách một nhà cách mạng, đồng thời là một nhà báo, Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống sự vi phạm tự do báo chí của chủ nghĩa thực dân và xác lập vai trò, vị trí của báo chí cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh không chỉ nhận thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà Người còn thấy quyền tự do báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của quyền con người. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình Người rất chú ý và quan tâm đến hoạt động báo chí và quyền tự do báo chí, vừa coi đó là một “vũ khí” và phương tiện trong quá trình đấu tranh cách mạng, đồng thời Người còn coi đó như là một cuộc đấu tranh cho quyền con người. Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận…, chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”(13). Trong tác phẩm Đông Dương, Người viết: “Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”(14). Trong một bài báo khác, bài “Báo chí”, Người viết: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”(14). Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo, dùng báo chí làm diễn đàn tố cáo và tiến công kẻ thù, tuyên truyền cho cách mạng mà còn tự mình tổ chức ra những tờ báo cách mạng như: Le Paria(Người cùng khổ) - tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập. Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Sau báo Thanh niên, Người còn sáng lập ra các tờ báo khác như tờ Công nôngở Trung Quốc, Thân áiở Thái Lan, Người trực tiếp chỉ đạo tờ báo Đỏ, cơ quan của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Trung Quốc…
Thứ sáu, đề cao đạo đức người làm báo.
Theo Hồ Chí Minh, báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều năng lực nghề nghiệp. Báo chí phải là sự tập hợp mọi tiềm năng, mọi nguồn lực trí tuệ, có tầm hiểu biết rộng lớn, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi bài viết đều phải chứa đựng hàm lượng cao chất xám và nhiệt huyết cao của người viết. Hồ Chí Minh nói, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Người làm báo phải phấn đấu rèn luyện không mệt mỏi và phải nghiên cứu và hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(16). Người nhấn mạnh tính giai cấp, tính định hướng chính trị của các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào khi xây dựng một chương trình, xuất bản một tác phẩm, thể hiện một đề tài đáp ứng nhu cầu của độc giả... đều hàm chứa định hướng chính trị.
Theo Hồ Chí Minh, nhà báo làm ra sản phẩm lao động là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức rất cao. Nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp thì mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân, của xã hội.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí là cơ sở lý luận để Đảng ta nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng nền báo chí cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN; một nền báo chí dân chủ, trung thực, khoa học và hiện đại vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội; một nền báo chí hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, hướng tới sự phát triển con người toàn diện; một nền báo chí mà người làm báo luôn có ý thức trách nhiệm chính trị xã hội. Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Đó là các gốc rễ để mỗi nhà báo tự vượt lên trên những tính toán vụ lợi, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng.