Công tác Quy hoạch và Phát triển báo chí trong thời gian tới

LH

(Tài chính) Đề án Quy hoạch và Phát triển báo chí đến năm 2025 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11 sẽ là định hướng cơ bản và thiết thực để báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển phù hợp thực tế Việt Nam. (Tiếp theo Phần I - Quản lý, quy hoạch Báo chí – Nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn tới).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc sắp xếp báo chí theo lộ trình thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sẽ được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện để báo chí phát triển mạnh, đúng định hướng, hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất tới người dân, đồng thời, đảm bảo phát triển mạnh hơn nguồn lực báo chí.

Quy hoạch báo chí là nhiệm vụ quan trọng

Theo thống kê, hiện nay, nước ta có 845 cơ quan báo chí (trong đó có 119 báo in, 98 báo và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình với gần 200 kênh truyền hình, 01 hãng thông tấn quốc gia). Tổng cộng có 1.111 ấn phẩm, 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp và 420 mạng xã hội được phép hoạt động. Trong đó, báo điện tử và các trang thông tin trên mạng đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, số lượng độc giả của báo chí in có xu hướng ngày càng giảm, trong khi đó lượng độc giả truy cập báo mạng ngày càng tăng. Nguồn nhân lực báo chí có mức tăng trung bình hằng năm khoảng 6,5% (năm 2009 chỉ có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, đến nay con số này đã lên khoảng 35.000 người, trong đó có gần 17.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề).

Về trình độ chuyên môn, phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; số người làm báo có trình độ dưới đại học đã giảm trung bình khoảng 1%/ năm. Năm 2009, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 85% và trên đại học là 4%. Đến năm 2013, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 91% và trên đại học là 4,9%.

Số lượng đầu báo và nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này lớn mạnh rất nhanh. Việc phát triển quá nóng của các loại hình báo chí trong thời gian qua, khiến các chuyên gia cũng như người dân đều nhận thấy rằng, đang có một sự lãng phí lớn về nguồn lực báo chí. Quá nhiều cơ quan báo chí, quá nhiều đầu báo với các bản sắc na ná nhau, không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin và thời gian đưa tin, khiến một số thông tin đăng vội vã để câu khách nhưng chưa được kiểm chứng, thậm chí sai sự thật, phản cảm, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm đi tính giáo dục và định hướng, vốn là những giá trị truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng.

Trong Phần I, chúng tôi đã đưa ra phân tích những mặt được và chưa được trong công tác báo chí và quản lý báo chí thời gian qua, cho thấy sự cần thiết phải quy hoạch lại báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Định hướng quy hoạch báo chí:

- Thanh lọc, giảm bớt số lượng cơ quan báo chí không cần thiết: tổ chức, sắp xếp lại để báo chí đủ về số lượng và năng lực hoạt động. Báo in sẽ sắp xếp theo mô hình một cơ quan sẽ có nhiều ấn phẩm khác nhau. Các cơ quan truyền hình tự sản xuất chương trình truyền hình của mình tối thiểu là 50% thời lượng phát sóng, hạn chế phát lại truyền hình nước ngoài, nhất là phim (Bộ TT&TT cho biết, đang nghiên cứu  sáp nhập Đài truyền hình kỹ thuật số VTC vào Đài tiếng nói Việt Nam – VOV. Báo điện tử sẽ trở thành loại hình chủ lực của truyền thông đa phương tiện).

- Nâng cao chất lượng công tác báo chí: Gắn đổi mới mô hình báo chí với nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Tăng cường về chất lượng thông tin nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền và đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

- Đưa ra hành lang pháp lý để báo chí hoạt động, xây dựng hệ thống chính sách để quản lý báo chí.

- Phấn đấu đến năm 2025, các cơ quan báo chí sẽ tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đối với các ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước.

Năm 2015 là năm có nhiều dự định phải làm trong công tác thông tin-xuất bản như: xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ cho hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị 42 của Ban bí thư và quy định của Luật Xuất bản; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và thông thoáng để môi trường thông tin điện tử phát triển; sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, xây dựng lại Bộ quy tắc đạo đức nhà báo, đáp ứng đòi hỏi nhu cầu mới trong đời sống báo chí...

Hỗ trợ của Nhà nước trong công tác quy hoạch báo chí:

-  Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

- Hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

- Tạo cơ chế, chính sách tài chính, cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy.

- Không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

- Tập trung xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. 

- Tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành báo chí, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý chuyên ngành báo chí ở Trung ương và địa phương, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và điều kiện làm việc bảo đảm thực thi công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả. Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân và thông tin báo chí để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm. Rà soát, xem xét rút giấy phép đối với cơ quan báo chí không đủ điều kiệt hoạt động, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận nhanh với những thay đổi của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, đồng thời, học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển báo chí trong xu thế truyền thông đa phương tiện.

Đề án Quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 theo  hướng phải xác định rõ ràng, cụ thể định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển và quản lý đối với cả 4 loại hình báo chí (bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) theo lộ trình, bước đi phù hợp. Thực hiện được Đề án này, tin tưởng, hệ thống báo chí của nước ta sẽ đi vào nề nếp và phát huy tác dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo:

- tapchicongsan.org.vn; vov.vn;  vtc.vn

- Báo điện tử chinhphu.vn; baochivietnam.com.vn; business.gov.vn…