Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Niềm tin vào “sợi chỉ đỏ”
23 năm kể từ ngày được thông qua, Mục tiêu Bogor đến nay vẫn là “sợi chỉ đỏ” định hướng cho mọi hoạt động của APEC, đồng thời là cái đích mà các nền kinh tế thành viên hướng tới. Trong bối cảnh quá trình hiện thực hóa Mục tiêu đối mặt với nhiều thách thức và chỉ còn 3 năm để hoàn tất, nhiều kỳ vọng được trông chờ tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Những con số ấn tượng
Năm 1994, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 ở Bogor (Indonesia) đã thông qua Mục tiêu Bogor, trong đó xác định: APEC sẽ cắt giảm hơn nữa các rào cản đối với hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn; thời hạn để hoàn tất các Mục tiêu đối với các nền kinh tế phát triển là năm 2010 và đang phát triển là 2020. Kể từ đó đến nay, việc thực hiện các mục tiêu này vẫn luôn là ưu tiên của APEC với hàng loạt chương trình và kế hoạch hành động, giúp APEC đạt được những thành tựu ấn tượng về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Theo Báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới các Mục tiêu Bogor công bố tháng 11/2016, mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa thời điểm Mục tiêu Bogor được đưa ra.
Cụ thể, giai đoạn 1994 - 2014, tổng giá trị trao đổi hàng hóa trong khu vực đã tăng bình quân 7,8%/năm, đạt mức 18.400 tỷ USD vào năm 2014, trong đó trao đổi nội khối tăng gấp 4 lần. Bên cạnh đó, mức thuế tối huệ quốc trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% năm 2014. Tỷ trọng các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 0% tăng từ 27,3% năm 1996 lên 45,4% năm 2014.
Mức độ tự do hóa thương mại còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại. Đến cuối năm 2015, các nền kinh tế APEC đã tham gia 152 hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định thương mại khu vực (RTA), trong đó có 61 hiệp định được ký kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Về kết quả dỡ bỏ rào cản hành chính, thời gian để làm thủ tục thương mại xuyên biên giới trong nội khối APEC đã giảm từ 15 ngày năm 2006 xuống còn khoảng 13 ngày. Số lượng thủ tục đăng ký kinh doanh giảm từ 9 xuống còn 6. Thời gian đăng ký kinh doanh bình quân giảm từ 37 ngày xuống còn 15 ngày.
Nhờ những tiến bộ đạt được trên cả ba trụ cột của hợp tác kinh tế theo Chương trình nghị sự hành động Osaka, hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực APEC đạt 3%/năm, luôn cao hơn so với phần còn lại của thế giới (2,5%/năm). Cùng với đó, số lượng người nghèo đói trong khu vực cũng giảm hơn 802 triệu người trong giai đoạn 1993 - 2002.
Chướng ngại vật cũ và mới
Với những con số ấn tượng trên, APEC đã làm ngạc nhiên bất kỳ ai từng ít kỳ vọng vào diễn đàn khá rộng lớn này. Tuy nhiên, để đến đích, APEC vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, cả cũ và mới.
Trong khi hàng rào thuế quan đang được loại bỏ một cách tích cực, thì không ít hàng rào phi thuế quan lại mọc lên, đó là các vụ kiện chống phá giá hay tiêu chuẩn về chất lượng. Cũng theo báo cáo trên, trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng vụ kiện chống bán phá giá của các nền kinh tế thành viên APEC tăng 11,2%, biện pháp bảo hộ tăng 104,2%.
Cùng với hàng rào phi thuế quan, tranh cãi gia tăng, cả về kinh tế lẫn chính trị, giữa các nền kinh tế APEC thời gian gần đây đang ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện Mục tiêu Bogor, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và một số nước phương Tây áp đặt lên Nga sau khi Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea.
Một chướng ngại vật khác trên “đường tới Bogor” của APEC chính là sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên. Nếu tính theo phương pháp sức mua tương đương (PPP), năm 2014, GDP của Mỹ là 17.348 tỷ USD, gấp gần 1.000 lần GDP của Papua New Guinea, hơn 500 lần GDP của Brunei và hơn 108 lần GDP của New Zealand.
Nhưng theo giới phân tích, rào cản lớn nhất cũng là thách thức mới nhất trên “đường tới Bogor” hiện tại chính là sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế chủ chốt. Lo ngại này càng có cơ sở khi tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Đức cuối tháng 3/2017, Tuyên bố chung đã không đưa ra cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, điều vẫn luôn được nhấn mạnh tại các hội nghị trước đó.
Năm bản lề cho chặng nước rút
Trong bối cảnh thời gian hoàn tất Mục tiêu Bogor chỉ còn 3 năm, Năm APEC Việt Nam 2017 cũng như Hội nghị Cấp cao tại Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ có được những bước đột phá bản lề cho chặng nước rút.
Trên thực tế, xác định được sứ mệnh của nước chủ nhà, ngay từ việc chọn chủ đề cho Hội nghị năm nay - “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã chỉ ra nhiệm vụ của Hội nghị này là tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng; để từ đó, “vun đắp” tương lai - gần là mục tiêu Bogor và xa hơn là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho khu vực.
Cùng với chủ đề xuyên suốt, Việt Nam cũng đề xuất 4 ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2017, trong đó “đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng” là ưu tiên có ý nghĩa thiết thực với việc thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Triển khai ưu tiên này, Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến rất kịp thời như Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai tháng 5 vừa qua, tạo đồng thuận về sự cần thiết đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu Bogor và xây dựng tầm nhìn cho APEC sau 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy nhiều sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Trong số này có đề xuất xây dựng các văn bản về thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới…
Cùng các thành viên, Việt Nam đã tiến hành rà soát tình hình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do (RTA/FTA), Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong hai ngày Hội nghị Cấp cao sắp tới (10 - 11/11), Việt Nam với vai trò dẫn dắt và điều phối, được kỳ vọng sẽ hướng các nhà lãnh đạo tới những cam kết mạnh mẽ trong hành động để hiện thực hóa các mục tiêu Bogor, biến “niềm tin vào sợi chỉ đỏ” thành sức mạnh để mang lại thành quả thực sự.