Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực

PV.

Tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chi ngân sách nhà nước sẽ từng bước được cơ cấu lại theo hướng tích cực.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: Internet
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: Internet

Định hướng về chi ngân sách nhà nước

Nghị quyết 25/2016/QH14 nêu rõ định hướng về chi ngân sách nhà nước (NSNN): Giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh; Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi NSNN cho khoa học và công nghệ; Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán NSNN hằng năm.

Các mục tiêu cụ thể về chi NSNN

Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể về chi NSNN: Tổng chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi NSNN; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014 - 2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng).

Trong tổng chi, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán NSNN hằng năm.

Các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện

Để thực hiện các định hướng, mục tiêu về chi NSNN nêu trên, Quốc hội khóa XIV nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện gồm: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý NSNN theo Luật NSNN, sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp; không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng NSNN. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi NSNN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi NSNN, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN; giảm tối đa nợ đọng thuế. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi NSNN, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý NSNN. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chuyển nguồn để kiểm soát chặt chẽ bội chi, trần nợ công hằng năm.

Ngoài ra, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đẩy nhanh lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tiến tới tính đủ chi phí, góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, đào tạo, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo; tạo điều kiện để cơ cấu lại chi NSNN, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.