Từng bước hoàn thiện thể chế trong hoạt động tín dụng hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh

PV.

Trong những năm qua, mặc dù quy mô dư nợ tín dụng xanh đã được cải thiện đáng kể, song tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng ngân hàng còn tương đối thấp, chỉ ở mức dưới 4.5%. Thực tiễn này đòi hỏi ngành Ngân hàng cần có những chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa các dự án xanh, dự án phát triển kinh tế bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và gia tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các nguy cơ biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động đến đời sống, sinh kế của người dân, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra tiềm năng to lớn để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm đói nghèo.

Xác định tăng trưởng xanh và bền vững là yếu tố quan trọng và tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Để thực hiện những mục tiêu quan trọng trong tăng trưởng xanh và bền vững, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và gia tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các nguy cơ biến đổi khí hậu, trong những năm qua, NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, phấn đấu hiện thực hóag mục tiêu: Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Đồng thời, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng;

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu: Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Đặc biệt là, với Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đề ra các giải pháp trọng tâm gồm: (i) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng – tín dụng xanh; (iii) Xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; (iv) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng – tín dụng xanh trong toàn hệ thống.

Ngoài ra, NHNN cũng đã  ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh. Điển hình như: Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó NHNN đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

NHNN cũng đã ban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho các ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội gồm: nông nghiệp; hóa chất; xây dựng cơ sở hạ tầng; năng lượng; thực phẩm và đồ uống; sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may; dầu khí... Đây sẽ là công cụ để các TCTD xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong những ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội và là những ngành mà các tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều...