Tỉnh Long An:
Từng bước phục hồi thương mại, dịch vụ
Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An từng bước được kiểm soát, các chuỗi kinh doanh thương mại, dịch vụ phục hồi theo lộ trình với nhiều giải pháp phù hợp. Dự báo, xu hướng sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021 tiếp tục hoạt động ổn định, góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao nhất có thể.
Nhiều khó khăn vì dịch bệnh
Những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trên toàn thế giới. Tại Long An, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều DN vẫn cố gắng duy trì sản xuất để đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo đó, hầu hết hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vui chơi, giải trí, kinh doanh vận chuyển, khám, chữa bệnh,... đều phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống KT - XH. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng đạt 70.234 tỉ đồng, giảm 4,05% so cùng kỳ (đạt 65,64% kế hoạch). Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 4,8 tỉ USD, đạt 74,04% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,07 tỉ USD, đạt 94,9% kế hoạch.
Dịch bệnh xảy ra, chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tập trung đông người bị hạn chế, hoãn lại và chuyển sang hình thức kết nối theo trực tuyến. Hàng loạt khó khăn kéo theo khác như khan hiếm container so với nhu cầu xuất khẩu của DN, giá vận tải, cước phí tàu biển ngày càng tăng, nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đi Trung Quốc giảm mạnh (thanh long, chanh), làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc-xin. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Tại Long An, sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, dần mở cửa các hoạt động kinh tế từ ngày 15/9 nhằm tạo điều kiện để DN hoạt động trở lại theo lộ trình và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, đến nay có hơn 90% DN với khoảng 300.000 lao động trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại. Trong đó, có khoảng 4.000 DN kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động.
Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Long An, xu hướng sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021 sẽ sớm phục hồi và hoạt động ổn định, góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao nhất có thể (phấn đấu theo dự báo lần 1 của Tổng cục Thống kê là 3,72%).
Bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, UBND tỉnh Long An vừa có kế hoạch phục hồi hoạt động thương mại - dịch vụ gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.
Tỉnh bảo đảm các điều kiện tốt nhất để DN sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH trước mắt cũng như lâu dài. DN từng bước vận hành chuỗi hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ để phục hồi nền kinh tế theo lộ trình với các giải pháp phù hợp. Ngoài việc hỗ trợ DN, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát DN, người lao động thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong kinh doanh.
Hiện nay, tất cả hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại bình thường trong giai đoạn mới. Hầu hết người lao động tại các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, đáp ứng đủ điều kiện để duy trì phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Theo đó, Sở Công Thương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2021 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 93.000 tỉ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ; xuất khẩu ước đạt 6,1 tỉ USD, tăng 0,05% so cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 4,3 tỉ USD, tăng 6,2% so cùng kỳ.
Để đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, Sở Công Thương Long An đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho DN. Qua đó, từng bước mở cửa các hoạt động thương mại - dịch vụ để góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH của tỉnh trong năm 2021. Phấn đấu đến cuối năm 2021, tất cả DN, cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ đều hoạt động trở lại ổn định.
Hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cũng được Sở Công Thương chú trọng. Vừa qua, Sở Công Thương tổ chức cuộc họp với đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, DN sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm kết nối, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu qua Cảng Quốc tế Long An. Qua đó, DN phân bón đánh giá cao về các dịch vụ của Cảng Quốc tế Long An đang có cũng như định hướng phát triển thời gian tới về dịch vụ logistics trọn gói, tối ưu theo hướng có lợi và hiệu quả nhất. Để tạo ra các dịch vụ logistics tốt nhất cho DN, Sở Công Thương đề nghị Cảng Quốc tế Long An xây dựng phương án, giá cả, dịch vụ, hậu mãi nhằm giảm áp lực chi phí, thời gian cho DN.
Giám đốc Sở Công Thương Long An, Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm: Để DN kinh doanh thương mại hoạt động ổn định, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, Sở Công Thương tiếp tục khảo sát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, Sở tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nhằm hạn chế tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhất là trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội. Sở tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nông sản của tỉnh; kích cầu tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường các hoạt động hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm hàng hóa vào kênh phân phối bán lẻ, nhất là phát huy kênh thương mại điện tử, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài, có uy tín.
Các hoạt động khác cũng tập trung như rà soát, đánh giá thực trạng tiêu thụ điện của DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để kịp thời có giải pháp hỗ trợ hiệu quả; hỗ trợ DN nắm bắt thông tin về các thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa; thực hiện tốt việc sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa để duy trì và phát triển thị trường bền vững