Từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn ODA
Trên thực tế, việc giải ngân vốn ODA đang gặp nhiều vướng mắc nên cần sớm có các giải pháp thúc đẩy thanh toán nguồn ngoại lực quan trọng này để góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Không có khối lượng hoàn thành để giải ngân
Tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương là 27.975 tỷ đồng (giao cho các bộ, ngành là 11.858,314 tỷ đồng, cho các địa phương là 16.117,7 tỷ đồng). Ngoài ra, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ của các địa phương (nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương) được giao là 18.394,8 tỷ đồng.
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 lũy kế đến 31/8/2023 đạt 26,89%, trong đó khối bộ, ngành đạt 38,14%, địa phương đạt 18,61%.
Ngoài ra, trong năm 2023, các bộ, ngành địa phương còn thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài. Tại Công văn số 361/TTg-KTTH ngày 03/5/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng, của các địa phương là 2.808,188 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2023, các bộ, ngành, địa phương mới chỉ giải ngân được 7,11% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp chủ yếu vẫn xuất phát từ tình trạng không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; chậm trong khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng; điều chỉnh thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật; một số dự án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và hoàn thành ký kết hiệp định vay phụ, hợp đồng ủy quyền cho vay lại…
Nguyên nhân khác dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân vốn là do các dự án phải thực hiện các thủ tục như: điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, cơ cấu vốn, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay để gia hạn thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư. Việc điều chỉnh này là do triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, chất lượng thiết kế một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phù hợp với điều kiện cụ thể nên trong quá trình triển khai, dự án phải sửa đổi, bổ sung thiết kế so với thời điểm phê duyệt. Mặt khác, việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, không đảm bảo thời gian thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.
Đáng chú ý, việc vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các qui định, yêu cầu của nhà tài trợ cũng dẫn đến tình trạng các dự án phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Thời gian chờ ý kiến không phản đối của nhà tài trợ ở giai đoạn thực hiện dự án bị kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai dự án nhiều tháng. Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, các hồ sơ có liên quan trong toàn bộ quá trình triển khai dự án, lý do có thể trực tiếp từ nhà tài trợ, từ các chủ dự án do hồ sơ xin ý kiến không đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án ô. Các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Ngoài ra, còn có các vướng mức liên quan đến thể chế, chính sách khiến giải ngân vốn ODA chậm trễ. Đơn cử như Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng đã quy định các dự án nhóm A từ thiết kế cơ sở đến thiết kế chi tiết đều do Bộ Xây dựng thẩm định dẫn đến chậm trễ trong việc thẩm định thiết kế đối với các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án nói chung.
Điển hình như trường hợp của Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vay Ngân hàng Thế giới, việc thẩm định thiết kế tại Bộ Xây dựng bị kéo dài, cả năm 2022 Dự án không triển khai được và vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đề xuất chấm dứt tài trợ cho Dự án do Dự án không có giải ngân. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới đề nghị dừng tài trợ dự án khi chưa bắt đầu giải ngân.
Thực tế cũng có vướng mắc về quy chuẩn tiêu chuẩn, định mức kinh tế về chuyên ngành đường sắt đô thị. Ví dụ, đối với Dự án Metro 3, hệ thống định mức đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành, định mức về chuyên gia tư vấn nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị gần như không có trong hệ thống định mức và công bố của cơ quan quản lý của Việt Nam (117 định mức cần xây dựng mới và điều chỉnh, khoảng 600 đơn giá thiết bị đặc thù, 800 đơn giá lắp đặt thiết bị đặc thù đường sắt đô thị cần được xác định).
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng chỉ ra có các dự án y tế không thể giải ngân trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 (Bệnh viện Vĩnh Long, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Trà Vinh…) do hàng loạt cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế đã làm cho các thiết bị y tế không nhập về được hoặc đã nhập về nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng do chưa được hoặc chậm được cấp giấy phép lưu hành.
Một nguyên nhân khiến chậm trễ trong giải ngân vốn ODA đó là năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giải ngân; công tác thiết kế công trình, đấu thầu, thẩm định, phê duyệt chậm do trình độ chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, chất lượng hồ sơ chưa đạt yêu cầu nên phải điều chỉnh nhiều lần; một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn lúng túng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, hoạt động mua sắm đấu thầu theo quy định của nhà tài trợ.
Về phía địa phương, khó khăn chính trong giải ngân vốn ODA năm 2023 là chậm có khối lượng hoàn thành đủ điều kiện giải ngân, mà nguyên nhân chậm có khối lượng hoàn thành để giải ngân chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện dự án như chậm giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong đấu thầu; chậm hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hoặc gia hạn hiệp định vay, thỏa thuận vay.
Kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài.
Theo đó, đã có các công văn gửi các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023; nhập dự toán trên hệ thống Tabmis, đăng ký tiến độ và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao, chỉ đạo các chủ dự án trực thuộc rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài thuộc kế hoạch vốn năm 2023; tổ chức làm việc với 3 bộ, ngành, 8 địa phương cùng với các chủ dự án có dự toán được giao lớn; phối hợp với các chủ dự án xử lý các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền, thực hiện kiểm soát chi và ký đơn rút vốn ngay khi nhận được hồ sơ đầy đủ của chủ dự án; tổ chức làm việc với nhà tài trợ để rà soát, kịp thời nắm được tiến độ và đề xuất xử lý vướng mắc của từng dự án.
Các bộ, ngành, địa phương là các cơ quan chủ quản cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 20223 như: chỉ đạo các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn vay nước ngoài của các dự án trong phạm vi dự toán được giao và báo cáo cơ quan chủ quản để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án và giải ngân vốn nước ngoài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2023 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, đặc biệt là cho các dự án kết thúc giải ngân năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương thời gian qua cũng đã xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Về phía các dự án ODA của địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất và tiến hành một số giải pháp: Đôn đốc trực tiếp tại 8 đia phương giải ngân chậm (Hòa Bình, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và Bến Tre) và đôn đốc trực tiếp một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân chậm (5 dự án tại 3 tỉnh là Hải Dương, Quảng Nam và Thanh Hóa). Bộ Tài chính cũng đề nghị nhanh chóng xử lý hoặc trả lời kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Việc chậm giải ngân vốn ODA có tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của các địa phương do các dự án này hầu hết là các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu của địa phương trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và môi trường đô thị. Nguồn vốn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương năm 2023 là nguồn vốn vay bù đắp bội chi chủ yếu của ngân sách địa phương (chiếm 72,6% dự toán bội chi ngân sách địa phương), do đó giải ngân chậm vốn ODA vay lại dẫn đến thiếu nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển của các địa phương.