Tuyên Quang chủ động, quyết liệt triển khai Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Trọng Nghĩa

Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cuộc điều tra quy mô quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá toàn diện thực trạng nông thôn, nông nghiệp; từ đó làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong giai đoạn tới. Tại Tuyên Quang, cuộc Tổng điều tra đang được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến từng cán bộ điều tra viên, nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng yêu cầu của Trung ương.

Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 tỉnh Tuyên Quang.
Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 tỉnh Tuyên Quang.

Chủ động từ công tác tổ chức, điều hành đến triển khai điều tra

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 484/QĐ-TTg và Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương ban hành Phương án Tổng điều tra, tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ Thường trực giúp việc. Đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành việc kiện toàn BCĐ và Tổ thường trực các cấp, kể cả sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Cụ thể, BCĐ cấp tỉnh gồm 17 thành viên, Tổ Thường trực có 48 người. Ở cấp huyện, 18/18 huyện, thành phố (tính trước thời điểm ngày 1/7/2025) đều thành lập đầy đủ BCĐ với 138 thành viên và 242 cán bộ thường trực. Riêng cấp xã, toàn tỉnh có 2.367 thành viên BCĐ. Đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò điều hành và hỗ trợ xuyên suốt quá trình triển khai điều tra.

Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, tập huấn điều tra viên cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng với 3.509 điều tra viên phiếu hộ, 316 điều tra viên phiếu xã và 20 điều tra viên phiếu trang trại đã được huy động, bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng sử dụng công nghệ và hiểu biết địa bàn. Từ đầu tháng 6/2025, 72 lớp tập huấn nghiệp vụ đã được tổ chức bài bản (32 lớp tại Tuyên Quang cũ và 40 lớp tại Hà Giang cũ), đúng đối tượng, nội dung và thời gian quy định. Công tác giám sát tập huấn cũng được thực hiện chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng ngay từ khâu chuẩn bị ban đầu.

Cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chính thức bắt đầu từ ngày 1/7/2025. Theo số liệu báo cáo, tính đến 8 giờ sáng ngày 17/7/2025, công tác điều tra phiếu hộ đạt tỷ lệ hoàn thành 46,03%; phiếu xã 315/315 xã, đạt 100%, đồng thời tỷ lệ hoàn thành kiểm tra logic dữ liệu cũng đạt 100%. Đối với phiếu trang trại, toàn tỉnh đã hoàn thành 73/271 phiếu, đạt 26,94%. Những con số này cho thấy, sự nỗ lực vượt khó, đặc biệt công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và sự vào cuộc hiệu quả từ các cấp, ngành, địa phương của tỉnh.

Lễ Ra quân Tổng Điều tra Nông thôn, nông nghiệp 2025 tại xã Minh Thanh, tỉnh Tuyên Quang.
Lễ Ra quân Tổng Điều tra Nông thôn, nông nghiệp 2025 tại xã Minh Thanh, tỉnh Tuyên Quang.

Ứng dụng công nghệ và tăng cường kiểm tra, giám sát

Một trong những điểm sáng trong cuộc điều tra lần này là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thông qua phần mềm CAPI. Nhờ đó, quy trình thu thập, kiểm tra và xử lý dữ liệu diễn ra nhanh chóng, chính xác và đồng bộ. Tuy nhiên, địa hình miền núi đặc thù của Tuyên Quang đã khiến nhiều khu vực gặp khó khăn về tín hiệu điện thoại, ảnh hưởng đến việc định vị GPS và đồng bộ dữ liệu. Trước tình hình đó, các điều tra viên đã chủ động khắc phục bằng cách mượn thiết bị có kết nối ổn định hoặc di chuyển đến nơi có sóng để đảm bảo tiến độ điều tra.

Song song với quá trình điều tra, công tác kiểm tra, giám sát được BCĐ các cấp triển khai quyết liệt. Cán bộ được phân công trực tiếp theo dõi tại cơ sở, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, địa hình hiểm trở và dân trí thấp. Nhờ sự sâu sát trong chỉ đạo và giám sát, các sai sót được phát hiện, xử lý kịp thời, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của số liệu điều tra.

Trong công tác truyền thông, tỉnh đã huy động đồng bộ hệ thống truyền thanh cơ sở, báo chí, pa-nô, áp phích tại các khu vực công cộng nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận từ người dân. Sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt tại vùng khó khăn, đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung của Tổng điều tra.

Khó khăn thực tiễn và những kiến nghị xác đáng

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Tổng điều tra tại tỉnh Tuyên Quang vẫn gặp không ít khó khăn. Cuộc điều tra diễn ra đồng thời với quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, khiến việc kiện toàn BCĐ cấp xã và phân công nhiệm vụ còn chậm trễ. Địa bàn rộng, dân cư phân tán, giao thông cách trở, thời tiết mùa mưa dễ gây sạt lở, lũ quét… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tác nghiệp của điều tra viên.

Một số điều tra viên sau khi tập huấn đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác do sáp nhập xã, buộc tỉnh phải tuyển bổ sung và đào tạo lại, làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra. Trình độ công nghệ thông tin của điều tra viên vùng cao còn hạn chế, chưa thành thạo phần mềm CAPI. Trong khi đó, mức hỗ trợ tài chính thấp khiến một số điều tra viên không mặn mà tham gia, nhất là tại các xã có số hộ thấp. Có những trường hợp điều tra viên từ chối nhận tiền hỗ trợ vì không đủ chi phí di chuyển thực tế.

Từ những thực tế trên, tỉnh Tuyên Quang đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ, cụ thể như sau: (1) Nâng mức thù lao lập bảng kê hộ, đặc biệt với các địa bàn khó khăn; (2) Sớm hoàn thiện phần mềm CAPI để đảm bảo ổn định hơn trong vận hành; (3) Có hướng dẫn cụ thể đối với các xã mới sáp nhập và khu vực không có sóng điện thoại; (4) Gia hạn thời gian điều tra hộ thêm 10-15 ngày để đảm bảo tiến độ và chất lượng số liệu điều tra.

Điều tra viên sử dụng thiết bị điện tử phỏng vấn thu thập thông tin hộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Điều tra viên sử dụng thiết bị điện tử phỏng vấn thu thập thông tin hộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần chủ động, trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Tuyên Quang đang từng bước khắc phục khó khăn, triển khai nghiêm túc, hiệu quả cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025, hy vọng sẽ về đích đúng hẹn.

Những kinh nghiệm thực tiễn, sáng kiến trong triển khai của địa phương không chỉ góp phần vào thành công chung của cuộc điều tra mà còn là tiền đề quan trọng để Trung ương xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện phương án điều tra phù hợp với đặc thù từng vùng miền. Từ đó, phục vụ thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tới.