Nâng mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp Nhà nước
Với mục tiêu tăng trưởng cả năm được Chính phủ điều chỉnh lên 8,3 - 8,5%, Bộ Tài chính điều chỉnh mức tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc Bộ, với các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, qua đó góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung cả nước.

Chỉ tiêu sản lượng ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm
Sáng 21/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tóm tắt về tình hình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Các Tổng Công ty, Tập đoàn tập trung rà soát, đưa ra các giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, để đạt mục tiêu cao nhất về tăng trưởng doanh thu lợi nhuận, qua đó đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, tạo đà cho tăng trưởng hai con số.
Các doanh nghiệp đã chủ động, nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Cụ thể, về tình hình tài chính hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch.
Về tình hình tài chính Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 662 nghìn tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch và bằng 100,07% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, đạt 67% so với kế hoạch và bằng 231,9% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, đạt 59,3% so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, giá trị giải ngân đầu tư của các doanh nghiệp ước đạt trên 93 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 40% kế hoạch năm. Nhiều dự án lớn, trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chuỗi Dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, mở rộng kho LNG Thị Vải, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các Dự án Điện Long Phú 1, Điện hạt nhân Ninh Thuận, LNG Quảng Trạch II. Trong lĩnh vực hàng không, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác; đồng thời khởi công mới các dự án mở rộng tại Cảng hàng không Cà Mau, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới.
20 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính ước tăng trưởng bình quân 10,16%
Đánh giá chung, các doanh nghiệp thuộc Bộ trong 6 tháng đầu năm đã đảm bảo tăng trưởng, bám sát kế hoạch năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cả nước từ mức 8% lên mức từ 8,3% đến 8,5%; tăng trưởng 6 tháng đầu năm theo báo cáo thống kê đạt 7,52% thì việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp Nhà nước với vai trò dẫn dắt ở những tháng cuối năm là rất cấp thiết.
Do vậy, cần phải có giải pháp và đặt ra các nhiệm vụ để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhằm đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng quốc gia trong năm 2025.
Trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến mức tăng trưởng mới của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Theo đó, có 7 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng trên 10% (như SCIC - 20%; EVN - 14%; PVN - 11%; TKV - 10%; VNPT - 10%; Tập đoàn Cao su - 10%; VEC - 10%). 13 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng từ 8% đến 10%.
Với mục tiêu đó, doanh thu ước tính quy đổi của 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính năm 2025 ước tính là 2,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 10,16%. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp về năng lượng (như PVN, EVN, TKV, Petrolimex...) đóng góp lớn vào mức tăng trưởng, cân đối tăng trưởng cho các nhóm ngành có mức tăng trưởng thấp hơn như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp (lương thực, cà phê, lâm nghiệp...). Cùng với đó, các doanh nghiệp hạ tầng như ACV, VEC, VNPT... cũng có đóng góp rất quan trọng, hỗ trợ, gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trước trọng trách lớn lao, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng Công ty quyết tâm tập trung hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới của Chính phủ đặt ra; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm thúc đấy tăng trưởng đối với các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.