Tuyệt đối không để tiếp tay, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại

Văn Trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không tiếp tay, bao che cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất.

Ngày 11/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý I/2023 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực truyến từ điểm cầu hội trường Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi và có những bước phát triển. Trong bối cảnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến hết sức phức tạp.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, đại diện các đơn vị tập trung đánh giá, nhận diện những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại để rút ra kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị, giải pháp triển khai hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương, các bộ, ngành đã nêu thực trạng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đại diện TP. Hà Nội cho biết, công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố đã được các lực lượng chức năng chú trọng triển khai.

4 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 100 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử với số tiền xử lý vi phạm hơn 1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm là 526 triệu đồng; xử lý hình sự 6 vụ đối với 11 đối tượng.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyến trái phép hàng hóa và tiền tệ qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đại diện TP. Hà Nội cho biết, 4 tháng qua, các lực lượng chức năng của Thành phố đã xử lý 108 vụ vi phạm pháp luật; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 500 triệu đồng; đề nghị khởi tố 5 vụ việc...

Nêu ý kiến về tình trạng mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, thời gian qua, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng trên địa bàn Thành phố đã thành lập doanh nghiệp để mua, bán hóa đơn bất hợp pháp; có các hành vi gian lận trên lĩnh vực hóa đơn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Chính phủ. 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Chính phủ. 

Các đối tượng sử dụng chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân giả để thành lập công ty mới hoặc mua lại công ty đã phá sản, hoặc tạm dừng hoạt động nhưng vẫn còn tồn tại trên hệ thống đăng ký phát hành hóa đơn, để mua, bán khống hóa đơn. Các công ty mua, bán khống hóa đơn kết nối các khoản thu - chi hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền nhà nước, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Đáng chú ý, các công ty “ma” có hành vi mua, bán hóa đơn thường thay đổi địa chỉ kinh doanh trong thời gian hoạt động.

Trước những thủ đoạn trên, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp thu thập thông tin, dữ liệu của người nộp thuế như: thông tin giao dịch đáng ngờ, thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước khác; lập danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về phát hành, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp; rà soát, phân tích dữ liệu của người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật...

Trong lĩnh vực quản lý hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, các đối tượng buôn bán hàng cấm thường lợi dụng phương thức tạm nhập, tái xuất với những thủ đoạn tinh vị, phức tạp; phương tiện ô tô đi vào một số đường mòn, lối mở để qua mặt lực lượng chức năng.

Qua rà soát của cơ quan hải quan, hiện nay, có khoảng 6.000 container có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quá hạn lưu trữ. Một lượng lớn container máy móc đã qua sử dụng như máy đào, máy xúc đang tồn kho, do vướng mắc ở khâu đăng kiểm với lý do không có tài liệu kỹ thuật. Tổng cục Hải quan phân loại và yêu cầu chủ doanh nghiệp, hãng tàu có hướng xử lý.

Bên cạnh đó, qua đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng hải quan đã phát hiện những thủ đoạn mới trong chuyển ngoại tệ qua biên giới thông qua các ngân hàng thương mại bằng việc lợi dụng hồ sơ hải quan giả về nội dung, số lượng, không đủ điều kiện mua ngoại tệ...

Đề cập tới tình trạng vận chuyển trái phép ngoại tệ, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, tình hình chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài còn rất phức tạp. Một số đường dây lớn được phát hiện, bóc tách nhưng lại “mọc” thêm những đường dây khác với thủ đoạn tinh vi hơn như lợi dụng hợp đồng ngoại thương, chuyển tiền qua ngân hàng… gây “chảy máu ngoại tệ”.

Từ thực tế này, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kiến nghị, cần rà soát lại các quy trình, trách nhiệm của các đơn vị để có biện pháp, xử lý ngăn chặn kịp thời...

Nghiêm cấm tiếp tay, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao thành tích các đơn vị đạt được trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá, tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có những vướng mắc mang tính đặc thù.

Lợi ích trước mắt lớn là nguyên nhân thôi thúc cán bộ thực thi có hành vi vi phạm pháp luật. Người tiêu dùng thường tìm đến những mặt hàng có giá rẻ, giá thấp, vô tình tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các điểm cầu địa phương. 
Các điểm cầu địa phương. 

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và trước sự gia tăng phức tạp, cũng như khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Điều này đòi hỏi các đơn vị, địa phương cần nỗ lực, triển khai công việc tích cực, hiệu quả hơn nữa.

Lưu ý triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất.

Các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ cần không ngừng trau dồi nghiệp vụ để phù hợp xu thế hiện nay; đồng thời, phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Biểu dương các cơ quan thông tấn, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cả xã hội cùng chung tay với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Tuyên truyền, hướng dẫn để từng người dân trở thành những người tiêu dùng thông minh, chọn hàng tốt, đảm bảo chất lượng. Điều này mang giá trị cốt lõi góp phần cùng cả xã hội đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định.

Nhấn mạnh quy định trách nhiệm đối với từng đơn vị, địa phương còn nhiều quy định chồng chéo giữa các lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng yêu cầu, các đơn vị, địa phương tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị cụ thể, gửi cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.