Tỷ giá có biến động trong năm 2016?
Tỷ giá sẽ là một chủ đề được đánh giá rất “hot” trong năm 2016. Mặc dù cơ chế điều hành tỷ giá đã linh hoạt hơn; nhưng nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá VNĐ/USD có thể tăng khoảng 3 - 5%, thậm chí cao hơn trong năm 2016 này.
Tỷ giá sẽ phản ánh đúng nhu cầu thị trường
Nhận định về tỷ giá năm 2016 tại hội thảo Triển vọng thị trường chứng khoán 2016 tổ chức chiều ngày 25/1/2016, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá dự đoán sẽ phản ánh chân thực nhu cầu thị trường hơn, thay vì đưa ra cam kết biến động tỷ giá từ đầu năm như các năm trước.
Cụ thể, việc điều hành tỷ giá sẽ bám theo diễn biến ngoại hối thế giới, thông qua neo vào một rổ tiền tệ thay vì neo vào USD như hiện tại, và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Theo chuyên gia phân tích của BSC, việc neo vào một rổ tiền tệ một mặt sẽ giúp cho VNĐ hạn chế được biến động của sự tăng giá USD (nhờ có sự biến động ngược chiều của các loại tiền tệ khác), mặt khác có thể phản ánh sát thực hơn nhu cầu ngoại tệ của Việt Nam (khi mà rổ tiền tệ tập hợp các ngoại tệ Việt Nam giao dịch nhiều nhất).
Cụ thể hơn, rổ tiền tệ (nếu có) mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng để neo VND vào có thể gồm: Nhóm ngoại tệ quan trọng đối với Việt Nam (USD, CNY, JPY, và EUR); nhóm ngoại tệ mạnh khác/quan trọng khác đối với Việt Nam (KRW, GBP, SGD, TWD, hoặc THB)... Theo BSC, NHNN sẽ cân đối 2 yếu tố trên (quốc tế và nội địa) nhằm xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp nhất cho từng thời điểm.
Một báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho rằng, bước sang năm 2016, NHNN chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hàng ngày, nên cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt đã được áp dụng. NHNN đang nhìn thấy những áp lực không nhỏ lên tỷ giá.
“Động thái này là đúng đắn, hợp lý và cần thiết nhằm ứng phó với những diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới. Đồng thời, chính sách tỷ giá linh hoạt sẽ góp phần tạo dư địa để nhà điều hành duy trì mức lãi suất ổn định nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng”, VCBS đánh giá.
Khó có một cam kết cứng nhắc
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2016, NHNN sẽ rất khó có thể tiếp tục đưa ra được một cam kết cứng nhắc đối với tỷ giá.
Ở kịch bản cơ sở, BVSC dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tăng 3 -4% trong năm nay. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng 5 tỷ USD; FED sẽ tăng lãi suất thêm 1%; thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn đến từ Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ.
Còn theo VCSC, xét riêng các yếu tố trong nước, không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn; nhưng áp lực từ phía bên ngoài tiếp tục là yếu tố lớn nhất tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, đặc biệt là đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của FED và khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục lao dốc.
Với cách tiếp cận tương đối thận trọng đi cùng lộ trình tăng lãi suất theo hướng chậm và từ từ của FED, VCBS đánh giá yếu tố “đồng USD mạnh lên” có thể đã được thị trường chuẩn bị và phòng ngừa. Trong khi đó, yếu tố về “đồng Nhân dân tệ” được nhìn nhận là yếu tố khó lường và đem lại nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và hiện giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong năm 2015.
Trong một kịch bản tương đối tích cực và không có biến động lớn trên thế giới vượt ngoài tầm dự báo, VCBS kỳ vọng VND sẽ giảm giá khoảng 4% - 5% so với USD trong năm 2016.
Một dự báo tương tự, nhưng cường độ mạnh hơn, BSC thì cho rằng, VND có thể giảm giá thêm 5%, trường hợp không thuận lợi có thể cao hơn.
Bên cạnh áp lực đến từ đồng USD và Nhân dân tệ, “phần còn lại của thế giới ngoài Mỹ vẫn đang loay hoay với bài toán phục hồi kinh tế; do đó, không loại trừ chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng trên quy mô toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, sẽ khiến cho tiền tệ của đa phần thế giới giảm thêm so với USD. Do đó, VND khó có thể giữ được sự ổn định khi nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động”, BSC cho hay.