Tỷ giá, lãi suất có diễn biến thế nào trong năm 2019?
Theo Nhóm nghiên cứu phân tích, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đà tăng nhẹ từ đầu quý 4/2018 cho đến hết quý 1/2019.
"Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Chúng tôi cho rằng, hai biến số này sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra".
Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chiều 11/4.
Nhóm nghiên cứu phân tích, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đà tăng nhẹ từ đầu quý 4/2018 cho đến hết quý 1/2019. Cụ thể, tính đến hết tháng 3, tỷ giá trung tâm tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Thực tế này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá theo mức độ hợp lý. Mức tăng này thấp hơn mức 1,8% của quý 4/2018, nguyên nhân do tiến trình bình thường hoá chính sách tiền tệ tại các nước lớn đã giảm bớt giúp Ngân hàng Nhà nước nhẹ gánh nặng điều chỉnh lãi suất, tỷ giá.
Tỷ giá giao dịch VND/USD của ngân hàng thương mại trong quý 1/2019 neo sát mức trần 3% (so với tỷ giá trung tâm) mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, tuy có một số biến động nhẹ trước Tết. Theo đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại vào thời điểm 31/3/2019 ở mức 23.250 VND/USD, tăng không đáng kể so với quý 4/2018 tại 23.245 VND/USD và cao hơn 1,8% so với cùng kỳ 2018.
Trước Tết, thị trường thường chứng kiến hoạt động chuyển đổi mạnh từ ngoại tệ sang VND. Nhu cầu VND những ngày cao điểm thanh toán, chi trả đã đẩy tỷ giá VND/USD giảm xuống 23.196 VND/USD (ngày 28/1/2019), tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh xuống mức thấp trong quý tại 22.858 VND/USD.
Bản báo cáo cũng cho biết, đầu quý 1/2019, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mua ròng ngoại hối, linh hoạt giải quyết được nhu cầu VND trong đợt Tết và gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Nguyên nhân là nhờ tỷ giá thị trường ngoại tệ trong quý 1 ổn định, nguồn cung ngoại tệ đầu năm dồi dào, thanh khoản trên thị trường tốt.
Báo cáo cũng chỉ ra, so với cùng kỳ năm 2018, lãi suất liên ngân hàng quý 1/2019 có xu hướng cao, biên độ dao động hẹp hơn trong khoảng 3,38% (giữa tháng 1) cho tới 5,6% (cuối tháng 2 – trước Tết Nguyên đán). Tương tự như quý 1/2018, lãi suất liên ngân hàng đạt ngưỡng cao nhất quý tại thời điểm cận Tết do nhu cầu vốn vay ngắn hạn tăng cao.
Sau mùa cao điểm tới cuối quý 1/2019, lãi suất chỉ còn 3,32%. Nguyên nhân của sự gia tăng lãi suất liên ngân hàng là do đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc và biến động nguồn tiền gửi từ các ngân hàng lớn.
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm mất đi một phần thanh khoản cho các ngân hàng, khi đó các ngân hàng phải đẩy lãi suất lên để thu hút tiền gửi. Đây là điểm góp phần tăng lãi suất, tuy nhiên việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa các ngân hàng phải gửi một khoản tiền với Ngân hàng Nhà nước và khi các ngân hàng cần tiền có thể lấy ra. Về sinh lời thì điều này không tốt nhưng để duy trì ổn định cho ngân hàng thì đây là điều tích cực.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khuyến nghị, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài.
Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt đối với các ngành đang trên đà tăng tưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng cần được tiếp tục tiến hành.
Lạm phát quý 1/2019 mặc dù ở mức vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.