Tỷ giá ổn định song hành áp lực
Dù đứng trước nhiều áp lực trong và ngoài nước, nhưng đến thời điểm này có thể nói năm 2018 điều hành tỷ giá hối đoái đã đạt được mục tiêu ổn định như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Tuy nhiên, điều này cũng đã gây sức ép lên lãi suất suốt năm qua, dự kiến còn kéo dài trong năm tới.
Sức chống chọi tốt của VNĐ
Rạng sáng 20/12 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 2,25-2,5%/năm. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VNĐ.
Ghi nhận trong 3 ngày cuối tuần trước, sau khi FED tăng lãi suất đồng USD, tỷ giá trung tâm đã dừng tăng, tỷ giá USD/VNĐ tại các NHTM liên tục giảm. Trong đó, ngày 22/12 một số NH có giao dịch ngoại tệ lớn, đã đồng loạt giảm giá USD 15-30 đồng/mua - bán. Giá bán USD tại các NH phổ biến 23.320-23.330 đồng/USD.
Tỷ giá giữ được sự ổn định nhờ trước đó NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm để đón đầu những biến động và nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào hơn. Cụ thể, tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ tăng khả quan. Theo Cục Thống kê TPHCM, tính đến đầu tháng 11, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 11,83% tổng vốn huy động, tăng 9,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, huy động vốn ngoại tệ cả nước năm 2018 đạt khoảng 17% so với 2,1% năm 2017. Tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm 9,9% tổng vốn huy động của các TCTD. Với lượng dự trữ ngoại hối lớn, NHNN cũng chủ động bán ngoại tệ cho NHTM vào những thời điểm nóng để ổn định thị trường.
Song song đó, nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã đổ vào Việt Nam khá lớn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần hút thêm vốn ngoại nước ngoài vào Việt Nam, cộng với dòng kiều hối lớn tập trung đổ về, đã giúp thanh khoản USD được cải thiện.
Tính chung cả năm, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3,5% so với đầu năm. Tỷ giá tăng do yếu tố quốc tế lẫn trong nước. Cụ thể, chỉ số USD Index tăng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2-2018. Trong nước, tỷ giá chịu áp lực từ lạm phát nhưng đã được hỗ trợ tích cực từ việc cân đối cung cầu ngoại tệ.
Với mức tăng này, các chuyên gia nhận định 2018 là một năm khá thành công điều hành tỷ giá hối đoái của NHNN. Với diễn biến của tỷ giá USD/VNĐ trong 12 tháng qua, trong báo cáo cập nhật về việc tăng lãi suất của FED, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định năm 2018 VNĐ là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED.
Áp lực lên lãi suất VNĐ
Dự báo năm 2019, dù FED sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, nhưng về cơ bản tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng áp lực đối với VNĐ trong 2019 sẽ không nhiều như 2018. Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng VNĐ được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Ở một diễn biến khác, mặt bằng lãi suất liên NH và lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mặt bằng khá cao. NHNN đang hỗ trợ thanh khoản cho các NH thông qua hoạt động bơm vốn qua kênh OMO và tín phiếu.
BVSC dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt dần sau thời điểm Tết Dương lịch (thời hạn các NH đáp ứng tiêu chuẩn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 40%), thậm chí sẽ giảm sau thời điểm Tết Âm lịch (khi nguồn tiền dư thừa quay trở lại các NH). Như vậy, năm 2019 sẽ không có quá nhiều rủi ro đối với lãi suất, nhất là trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và không tăng quá cao.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, trước khi FED tăng lãi suất, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm để sự kiện này không tác động lên tỷ giá USD/VNĐ. Đó là điều tốt, nhưng sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động VNĐ. Nếu các NH không tăng lãi suất tiền gửi VNĐ có thể dẫn đến hiện tượng người dân rút VNĐ để mua USD. Vì khi thấy lãi suất USD tại Mỹ ngày càng tăng, nhiều người sẽ nghĩ tỷ giá sẽ tăng và đầu cơ chờ giá lên bán kiếm lời. Đồng thời, trong thị trường tài chính, các TCTD cũng có thể gửi USD ra nước ngoài khi FED liên tục tăng lãi suất USD.
Đó là những áp lực đối với lãi suất tiền đồng. Nếu muốn lãi suất không tăng nhiều, phải chấp nhận tỷ giá biến động, còn muốn ổn định tỷ giá bắt buộc phải tăng lãi suất. Gần đây nhiều NH lớn đã tăng lãi suất huy động VNĐ lên mức rất cao. Lãi suất VNĐ tăng làm tăng sự hấp dẫn của VNĐ so với USD, từ đó kìm hãm đà mất giá đồng nội tệ. Nhưng lãi suất huy động tăng lại tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. Đây cũng là sự đánh đổi để chính sách tiền tệ đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sau Tết sẽ giảm, nhưng cả năm 2019 sẽ tăng khoảng 1% và lãi suất cho vay có thể tăng 1-2%. Tuy nhiên, với áp lực lên tỷ giá vẫn còn rất lớn, việc điều hành tỷ giá năm tới cần linh hoạt hơn để giảm tải cho lãi suất.
Do đó, năm 2019, tỷ giá biến động 3% là điều bình thường. Nhưng nếu FED tiếp tục tăng lãi suất và căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đẩy đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh hơn so với USD, đạt trên mức 7NDT đổi 1USD trong năm tới, áp lực tăng tỷ giá USD/VNĐ sẽ lớn hơn và có thể VNĐ sẽ phải chịu áp lực tăng tỷ giá trên 3%.