Tỷ giá tăng chỉ là nhất thời?
Sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, thị trường ngoại hối trở nên khá sôi động với việc tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên và liệu đây có là diễn biến nhất thời?
Tăng đều trên cả 2 thị trường
Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá trung tâm USD/VND tính đến ngày 3/3 là 22.468 đồng, tăng 43 đồng, tương đương 0,19% so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 phiên giao dịch tính từ 26/2 thì cặp tỷ giá này đã tăng đến 56 đồng, sau khi duy trì đà giảm trong tháng 1 và khá ổn định trong 2/3 thời gian của tháng 2. Tương tự, tỷ giá bán ra niêm yết của NHNN cũng liên tiếp được điều chỉnh tăng kể từ 23/2 đến nay.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đã tăng sớm hơn, cụ thể tỷ giá USD/VND mua vào và bán ra tại Vietcombank tăng từ 21/2, tức ngay ngày giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Trong vòng 11 ngày qua, USD đã tăng 55 đồng so với đầu năm, tương đương 0,24%.
Còn trên thị trường tự do, tỷ giá mua vào tăng 70 đồng, tương đương 0,31% trong khi giá bán ra tăng thêm 80 đồng, tương đương 0,35%. Đáng lưu ý là tỷ giá mua vào thời điểm trước Tết thậm chí giảm 20 đồng, tuy nhiên ngay ngày giao dịch trở lại đầu tiên sau Tết, tỷ giá mua vào đã tăng nhanh đến 40 đồng và duy trì xu hướng đi lên kể từ đó đến nay.
Những dấu hiệu tăng nhanh của cặp tỷ giá USD/VND gần đây là rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá vẫn là những biến số còn nhiều lo ngại của nền kinh tế.
Nguyên nhân
Thống kê cho thấy dòng vốn ngoại tệ trên thị trường những tháng đầu vẫn khá ổn định. Cụ thể, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân trong 2 tháng đầu năm là 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2017, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài là 1,253 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,08 tỷ USD, trong đó riêng tháng 1 xuất siêu 180 triệu USD và tháng 2 xuất siêu 900 triệu USD. Dòng tiền kiều hối trong 2 tháng đầu năm cũng khá dồi dào.
Thị trường đang phản ứng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất cơ bản vào kỳ họp ngày 22/3 tới. Hầu hết dự báo của giới chuyên gia tài chính đều cho rằng một đợt tăng lãi suất vào kỳ họp này là tất yếu, khi mà lạm phát đang có dấu hiệu nhanh hơn và cơ quan này cũng có kế hoạch tăng lãi suất thêm 3 lần, hoặc thậm chí là 4 lần trong năm nay.
Thông thường với dòng vốn ngoại dồi dào thì tỷ giá sẽ được hỗ trợ ổn định, tuy nhiên những diễn biến gần đây lại cho thấy dấu hiệu ngược lại. Việc này có thể giải thích do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại trước Tết đã bán mạnh kỳ hạn 3 tháng cho NHNN và hiện nay thời điểm đáo hạn của các hợp đồng đã dến gần nên nhu cầu gom mua USD tăng cao, nhất là khi nhiều ngân hàng đã rơi vào trạng thái ngoại hối âm.
Thứ hai, thị trường đang phản ứng trước với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản vào kỳ họp ngày 22/3 tới. Hầu hết dự báo của giới chuyên gia tài chính đều cho rằng một đợt tăng lãi suất vào kỳ họp này là tất yếu, khi mà lạm phát đang có dấu hiệu nhanh hơn và cơ quan này cũng có kế hoạch tăng lãi suất thêm 3 lần hoặc thậm chí là 4 lần trong năm nay.
Trong phiên điều trần ngày 28/2, ông Jerome Powell - tân Chủ tịch FED đã có những nhận định khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ và điều này khiến giới đầu tư lo ngại lãi suất có thể tăng nhanh hơn dự kiến trong năm 2018. Trên thị trường quốc tế, đồng USD cũng có dấu hiệu mạnh trở lại sau khi chạm mức thấp gần vùng 88 vào ngày 16/2.
Thứ ba, việc NHNN mua mạnh ngoại tệ và nâng dự trữ ngoại hối lên đến 60 tỷ USD trong thời gian qua cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn ngoại tệ đã bị rút ra khỏi thị trường. Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng, NHNN đã mua 8 tỷ USD sau khi đã mua đến 13 tỷ USD trong năm 2017, đáng lưu ý là tốc độ mua chỉ tăng mạnh từ tháng 12/2017 đến nay.
Khả năng chỉ là nhất thời
Dù những dấu hiệu tăng nhanh gần đây là đáng chú ý, nhưng khả năng đây chỉ là diễn biến nhất thời khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay dự kiến sẽ tiếp tục ổn định nhờ sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc thoái vốn của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, cán cân thương mại nói riêng và cán cân thanh toán nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định.
Việc mua mạnh ngoại tệ và tăng nhanh dự trữ ngoại hối gần đây của NHNN cũng giúp gia tăng tâm lý và niềm tin. Rõ ràng với lượng dự trữ ngoại hối lên đến 60 tỷ USD và khả năng còn tiếp tục tăng thì nhà điều hành có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết, nhất là khi tâm lý đầu cơ đã không còn mạnh như giai đoạn trước đây.
Đồng USD trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu giảm giá khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đánh thuế nhập khẩu lên nhôm và thép. Nỗi lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ và dĩ nhiên sẽ không có lợi cho đồng bạc xanh. Trong khi đó, dường như nước Mỹ cũng đang muốn duy trì đồng USD yếu đễ hỗ trợ xuất khẩu. Do đó khả năng đồng USD sẽ chưa sớm mạnh trở lại trong thời gian tới và điều này giúp cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn với công tác điều hành tỷ giá.