Ứng dụng công nghệ cho ngành Cầu đường

BIM

Ngày 4/8, Công ty cổ phần tư vấn Synectics phối hợp cùng với Autodesk và Konia (đơn vị phân phối uỷ quyền của Autodesk tại Việt Nam) đồng tổ chức buổi hội thảo “Ứng dụng BIM cho ngành cầu đường”. Buổi hội thảo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của khoảng 70 khách mời đến từ các công ty đầu ngành trong lĩnh vực cầu đường, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng hân hạnh đón tiếp sự tham gia của các chuyên viên đến từ các sở, ban ngành như Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Ban quản lý đường sắt đô thị…

Nội dung của buổi hội thảo xoay quanh việc ứng dụng Mô hình thông tin xây dựng (BIM) vào các dự án cơ sở hạ tầng, cụ thể là các công trình cầu đường để nâng cao hiệu quả kinh tế. Các khách mời tham dự không những được chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng BIM của các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua một số dự án cụ thể, mà còn có cơ hội đặt câu hỏi trực tiếp cho hai diễn giả của chương trình đối với những băn khoăn khi ứng dụng BIM vào thực tiễn, cũng như lợi ích cụ thể mà BIM mang lại cho nhà đầu tư, hay các đơn vị tư vấn, thiết kế thi công công trình. Ngoài hoạt động hội thảo, Synectics và Autodesk cũng tổ chức chuyến tham quan tư vấn và trình diễn phần mềm trực tiếp tại doanh nghiệp.

Tham dự buổi hội thảo, Tổng Giám Đốc Công ty CP tư vấn Synectics, Ông Trần Nguyên Huân chia sẻ quan điểm: “Nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đợt khủng hoảng kinh tế và các dự án hoạt động trở lại nhờ được khai thông dòng vốn. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng khi phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để giành chiến thắng trong các dự án đấu thầu. Lúc này, BIM đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và giúp gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu những lãng phí trong mọi khâu của dự án từ thiết kế, thi công cũng như hoàn công, đưa vào sử dụng, bảo trì…Tôi nghĩ đã đến lúc các doanh nghiệp nên ứng dụng BIM vào dự án để nâng cao những lợi ích to lớn của BIM cũng như đây là xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này”.

Mô hình BIM đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đang phát triển một cách nhanh chóng tại thị trường Việt Nam do những ưu điểm nổi bật của mô hình như: nhanh chóng đưa ra nhiều phương án thiết kế để phân tích chọn phương án tối ưu, giảm thiểu lãng phí, thúc đẩy nhanh tiến độ của công trình, giảm thiểu xung đột trong quá trình thi công…

Tuy được áp dụng sau các công trình xây dựng dân dụng, nhưng ứng dụng BIM cho các dự án cơ sở hạ tầng phát triển với tỷ lệ nhanh chóng. Theo kết quả báo cáo “Hiệu quả kinh doanh của việc ứng dụng BIM cho dự án cơ sở hạ tầng” của McGraw-Hill Construction:

− 67% các công ty đã sử dụng BIM thấy rõ được hiệu quả so với vốn đầu tư (ROI).

− Tốc độc tăng trưởng gấp đôi (từ 27% lên 46%) các công ty sử dụng ứng dụng BIM cho các dự án cơ sở hạ tầng.

− 89% đơn vị đang sử dụng BIM và sẽ tiếp tục dùng BIM cho các dự án hạ tầng sắp tới của họ.

− 78% doanh nghiệp chưa sử dụng BIM rất hứng thú sử dụng BIM cho các dự án mới.

Cũng trong dự thảo của Luật xây dựng mới trình lên Quốc hội và nghị định của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 quy định về việc ứng dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) cho các dự án. Bên cạnh đó, Sở giao thông vận tải Tp.HCM cũng đã ứng dụng BIM vào nhiều công trình thí điểm như Cầu Sài Gòn 2, hầm Thủ Thiêm… Ngoài ra, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng – Trợ lý viện trưởng Viện kinh tế Xây dựng nhận định trên báo Xây dựng “Đến năm 2020, mô hình BIM được kỳ vọng sẽ được phổ biến và là một phần tiêu chuẩn của tất cả các quy trình thiết kế và xây dựng và được thực hiện một cách đồng bộ.”

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều chủ đầu tư cũng như nhà thầu, công ty tư vấn giám sát sử dụng BIM cho dự án như: dự án tuyến Metro 1: Bến Thành- Suối Tiên, tuyến Metro 2: Bến Thành-Tham Lương, Cầu Sài Gòn 2, cầu Vàm Cống, hầm Thủ Thiêm...