Ứng dụng công nghệ là công cụ hữu hiệu thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 2838/QĐ-BTC về Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2024. Trong đó, Bộ Tài chính xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC trong lĩnh vực tài chính.
Tăng cường chủ động, sáng tạo trong CCHC
Tại Kế hoạch CCHC năm 2024, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc phải xác định công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, vì vậy phải đề ra các giải pháp cụ thể, thiết tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để CCHC trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của Bộ Tài chính.
Quyết định số 2838/QĐ-BTC cho thấy, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là những TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, Bộ phấn đấu có tối thiểu 70% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến. Trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; tối thiểu 85% kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ được số hóa đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, phấn đấu tối thiểu 70% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ với nhau.
Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm", nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành Tài chính thông qua các công cụ số hóa; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC trong lĩnh vực tài chính.
Tiếp tục cắt giảm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh
Theo Quyết định này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC năm 2024 của Bộ Tài chính được xác định là thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm...
Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đảm bảo đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện các TTHC lĩnh vực tài chính thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả và đo lường sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp...
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, trong đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương trong lĩnh vực tài chính. Theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã phân cấp, phân quyền cho địa phương trọng tâm là tài chính – NSNN, quản lý giá, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.