Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan - Tiền đề hướng tới hải quan số


Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê hải quan vào tất cả các lĩnh vực, từ công tác nghiệp vụ hải quan cho đến công tác hành chính quản lý nội ngành, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.

 Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê hải quan vào tất cả các lĩnh vực, từ công tác nghiệp vụ hải quan cho đến công tác hành chính quản lý nội ngành.
Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê hải quan vào tất cả các lĩnh vực, từ công tác nghiệp vụ hải quan cho đến công tác hành chính quản lý nội ngành.

Thành tựu đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành động lực thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực... Đây chính là tiền đề để ngành Hải quan hoàn thiện Hải quan điện tử và thực hiện Hải quan số trong thời gian tới.

Kết quả quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan

Thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Trong 10 năm qua, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng CNTT của Chính phủ, việc ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt. Những kết quả ứng dụng CNTT là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nói chung với những kết quả nổi bật như sau:

- Thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử: Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng, cụ thể: Kim ngạch XNK trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22%, trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhờ ứng dụng CNTT, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Theo đó, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Tổng cục Hải quan hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

 Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01 - 03 giây.

- Triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment): Từ năm 2012, Cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống CNTT của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện E-payment. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện kết nối internet, đảm bảo kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế; đồng thời, thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Trong giai đoạn 2016-2020 số thu ngân sách qua phương thức điện tử đạt 97,1% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan, cao gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

- Thực hiện giám sát hải quan tự động: Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống Quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai Hệ thống VASSCM góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Hải quan đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 203/243 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 84% tổng số thủ tục hành chính, do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 197 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 81%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng internet.

- Triển khai cung cấp thông tin tờ khai hải quan: Thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, từ ngày 15/3/2017, Cổng thông tin tờ khai hải quan chính thức được vận hành, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong nghiệp vụ hải quan

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Hải quan đã triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành như:

Giám sát quản lý về hải quan: Toàn ngành Hải quan đã xây dựng và triển khai hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: Quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng… Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép doanh nghiệp khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời, thực hiện các yêu cầu thanh khoản của doanh nghiệp. Nhờ áp dụng các hệ thống này, thời gian xử lý các công tác nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan tại cơ sở đã giảm đáng kể. 

 Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu: Hàng năm tổng số tiền thuế thu qua hoạt động XNK chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng số thu ngân sách (Năm 2020 tổng thu NSNN cả nước đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngành Hải quan thu đạt khoảng 315.000 tỷ đồng). Với việc triển khai hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đem đến những hiệu quả tích cực, đó là tăng mức độ chính xác trong công tác quản lý theo dõi nợ thuế; giảm khối lượng công việc (liên quan đến công tác kế toán; giảm chi phí hành chính cho cơ quan hải quan; tăng tính chính xác, kịp thời trong việc cưỡng chế, giải tỏa cưỡng chế đối với các lô hàng nộp thuế quá thời hạn quy định.

Về quản lý giá tính thuế: Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông tin giá tính thuế trên phạm vi toàn quốc. Đây là công cụ đắc lực giúp ngành Hải quan quản lý, theo dõi các thông tin về giá của hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó đề ra được các biện pháp đấu tranh, chống gian lận thương mại qua giá.

Về quản lý rủi ro: Việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT, đó là giai đoạn thực hiện các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới trong thông quan hàng hóa. Cho đến nay, hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động, cũng như giúp ngành Hải quan tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro đã góp phần tạo thuận lợi thương mại, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan.

Kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm: Tổng cục Hải quan đã triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành

Bên cạnh việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác nghiệp vụ hải quan, giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Hải quan cũng đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ của Tổng cục Hải quan và đã đạt hiệu quả cao. Hàng năm, ngành Hải quan tiếp nhận và xử lý khoảng 13 triệu tờ khai hải quan với việc tuân thủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Để quản lý được khối lượng khổng lồ văn bản đi và đến cũng như thực hiện việc chỉ đạo điều hành nội bộ qua mạng, Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống E.Doc liên thông với Bộ Tài chính, kết nối tự động 3 cấp: tổng cục - cục hải quan - chi cục hải quan; cho phép quản lý công văn đi, đến giúp giảm thiểu một lượng lớn giấy tờ; đồng thời, nâng cao tính kịp thời trong việc cung cấp, xử lý các văn bản của cán bộ, công chức hải quan trong cả nước...

Dấu ấn trong triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN trong giai đoạn 2016 - 2020

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc điều phối và phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Với nỗ lực đó, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 đã có bước đột phá quan trọng.

Đến ngày 15/04/2021, đã có 13 bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia với 222 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành chính thức triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,76 triệu hồ sơ của gần 46,2 nghìn doanh nghiệp tham gia. So với giai đoạn 2011 – 2015, số lượng thủ tục hành chính được triển khai của giai đoạn 2016 – 2020 tăng gấp hơn 8 lần; số lượng hồ sơ được xử lý tăng gấp 84 lần; số doanh nghiệp tăng gấp hơn 12 lần.

Về cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipine.

Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu USD, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu USD đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu USD đối với hàng xuất khẩu.

Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0

Nhận thức việc tiếp cận và chủ động ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan như: Công nghệ internet kết nối vạn vật; phân tích dữ liệu lớn; công nghệ di động; công nghệ chuỗi khối...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Chưa ứng dụng đầy đủ công nghệ của CMCN 4.0; mức độ ứng dụng CNTT và tự động hóa ở một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan vẫn còn chưa cao.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan

Trong thời gian tới, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan ngày càng nặng nề, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cũng như ngành Hải quan nói riêng phải tiến hành mạnh mẽ, hiệu quả và sâu rộng hơn nữa tiến trình cải cách, hiện đại hóa. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi ngành Hải quan phải chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT với các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan nhằm xây dựng hệ thống CNTT ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế tiên tiến, hướng tới Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh.

Thứ hai, hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan đảm bảo quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối. Phấn đấu đến 2025, hoàn thành việc triển khai kết nối với các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Nâng cao về chất và mở rộng về lượng trong triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, cung cấp nền tảng dịch vụ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế và các dịch vụ khác như thanh toán, nộp lệ phí...

Thứ tư, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, Chính phủ điện tử ngành Hải quan; trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thủ tục hải quan của người dân, doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử hải quan phục vụ người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan trên nền tảng ứng dụng di động, trong đó đảm bảo cung cấp ít nhất 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thứ năm, đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan như: Trí tuệ nhân tạo trong soi chiếu hàng hóa, kết nối internet vạn vật trong giám sát hải quan; phân tích dữ liệu lớn trong quản lý doanh nghiệp XNK... Đặc biệt, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong thu thập, quản trị, lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và cơ sở dữ liệu tập trung ngành Hải quan; đồng thời, xây dựng và thực hiện mô hình phân tích dữ liệu khoa học phục vụ đắc lực công tác nghiệp vụ, cũng như công tác quản lý điều hành các cấp thông qua hệ thống CNTT hải quan tích hợp.   

Tài liệu tham khảo:

1.Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

2.Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

3.Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

4.Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính về ứng dụng công nghệ thông tin;

Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.

(*) Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.