Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số là công cụ đắc lực cho hợp tác xã
Áp dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình trồng, chăm sóc, đầu tư hàng tỷ đồng cho nhà lưới, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, tưới tiêu tự động, nhiều mô hình trồng rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu gặt hái thành công, từ đó nâng cao vị thế của hợp tác xã (HTX), cải thiện thu nhập cho nông dân.
Cần tận dụng để nắm bắt cơ hội
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh là xu thế mà các HTX không thể đứng ngoài và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội. Đó là nhu cầu cũng như yêu cầu quan trọng đối với việc phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, minh chứng rõ nhất cho quan điểm này chính là trong khoảng thời gian 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, cung ứng nông sản. “Tuy nhiên, những HTX đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học đều không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vẫn tiếp tục duy trì quảng bá chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã tiết kiệm được nhiều loại chi phí trong khi cuộc khủng hoảng diễn ra”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, cũng theo ông Thịnh, việc đầu tiên, các HTX cần định hình mô hình kinh doanh của mình một cách bài bản:
“Thứ nhất, các HTX cần xác định được các yếu tố như thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng… Những thông tin đó sẽ tạo ra giá trị thiết thực bằng việc số hóa các quy trình sản xuất an toàn, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng internet”.
Thứ hai, các HTX cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo rất cần chú trọng đến khả năng quản trị số trong các HTX, đặc biệt là các giám đốc HTX. Đồng thời, nguồn nhân lực của HTX cũng cần đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản trị.
Thứ ba, trong quá trình quản trị số, bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các HTX cũng cần quan tâm hơn đến nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động. Công nghệ số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các HTX hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, đa dạng hoạt động, ông Thịnh nhấn mạnh.
Doanh thu bình quân 7-8 tỷ đồng/năm
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đến nay HTX rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã có 32 sản phẩm rau sạch được cấp chứng nhận VietGap cung cấp ra thị trường. Ngoài thị trường địa phương, đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, như MM Mega Market, Vinmart, BigC với nhiều loại rau đặc sản như cải mèo, cà chua, bắp cải… Với sản lượng cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn/năm, doanh thu bình quân của HTX 7 - 8 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Luyến - Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên cho biết, có được kết quả này là do HTX được nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án “Tăng cường khả năng kết nối thị trường cho sản phẩm rau trái vụ vùng cao Tây Bắc Việt Nam” do chính phủ Australia tài trợ... với các chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn trực tiếp tại ruộng cho các thành viên. Bên cạnh đó là chương trình hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, kinh phí làm nhà lưới, túi lưới, hệ thống tưới nước phun sương và quy trình trồng, sản xuất, sơ chế rau đạt tiêu chuẩn của Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Sơn La.
“Từ khi được hỗ trợ, HTX đã triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn, quy trình VietGAP được thiết lập, nên sản phẩm làm ra cũng như vị thế của HTX được nâng lên, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của thành viên được cải thiện”, bà Nguyễn Thị Luyến chia sẻ.
Là một trong những HTX ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã nâng cao sản lượng dưa lưới của đơn vị mình.
Ông Nguyễn Quang Anh Kiệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, với mô hình dưa lưới sạch, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới có diện tích 1.200 m2 cùng hệ thống tưới nước, phun sương tự động. Bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng, trước khi trồng được khử khuẩn, người ra vào phải thay đồ bảo hộ để ngăn vi khuẩn xâm nhập. Bởi, dưa lưới là loại cây khó trồng, yêu cầu kỹ thuật rất cao từ khâu gieo giống, chăm sóc đến chế độ phân bón khoa học và nhiệt độ phải điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng.
“Sản phẩm dưa lưới của HTX mang thương hiệu Tân Phong đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGap. Đến thời điểm này, mỗi tháng, HTX đáp ứng cho thị trường từ 1,6-2 tấn dưa lưới sạch. Mỗi quả có trọng lượng trung bình trên 1,5 kg”, ông Kiệt cho hay.