Hợp tác xã gia tăng hiệu quả kinh doanh nhờ ứng dụng số
Ðể tiếp cận thị trường hiệu quả trong bối cảnh mới, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ở TP. Cần Thơ đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kết hợp ứng dụng số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm trên thị trường, mà còn gia tăng hiệu quả kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Ông Nguyễn Ðức Phương - Chủ tịch Liên minh HTX TP. Cần Thơ, cho biết: Cùng với công tác xúc tiến thương mại, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố hỗ trợ cho các HTX đã tham gia dự án khoa học công nghệ "Ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của TP. Cần Thơ".
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn về kỹ năng hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với công nghệ số, từ cách thức đăng nhập thông tin tài khoản, giới thiệu sản phẩm, đến cách thức thanh toán, giao và nhận hàng hóa qua nền tảng số; hỗ trợ cho hơn 40 HTX tham gia trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa qua nhóm Zalo HTX Cần Thơ; hỗ trợ đưa nông sản an toàn, sản phẩm có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay chứng nhận VietGAP hay sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Posmart.vn, Voso, chonongsancantho.vn... Qua đó, từng bước giúp các HTX chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với việc chế biến sâu, gia tăng chất lượng thành phẩm cho các măt hàng nấm đông trùng hạ thảo, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (HTX Giọt Phù Sa), huyện Phong Ðiền còn sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, kết hợp bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, vừa gia tăng niềm tin với khách hàng, vừa giúp HTX nâng cao hiệu quả kinh doanh. Anh Phạm Ngọc Ðá, Giám HTX Giọt Phù Sa, chia sẻ:
Nắm bắt xu hướng của khách hàng là cần thực phẩm có chất lượng và an toàn cho sức khỏe, nên ngoài chú trọng đầu tư công nghệ cao trồng nấm đông trùng hạ thảo đạt chất lượng dinh dưỡng cao, HTX còn sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng. Theo anh Ðá, các sản phẩm của HTX đều được giám sát chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc tới khâu đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường. Khi tới kỳ thu hoạch, các sản phẩm sẽ được đóng gói bao bì, in tên thương hiệu và được dán tem QR Code, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thông qua điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet.
Hiện các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo Giọt Phù Sa được bán rộng rãi ở các tỉnh trong vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh; đồng thời, bán qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Posmart.vn… Qua đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX Giọt Phù Sa, góp phần ổn định thu nhập cho hơn 20 lao động làm việc tại HTX, với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng.
Nhờ chú trọng trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP, kết hợp sử dụng mã QR thực hiện truy xuất nguồn gốc, nên sầu riêng của THT sản xuất sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Ðiền đã và đang được thị trường rất ưa chuộng, giúp nhà vườn trong THT bán được giá cao so với thị trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng Thông - Tổ trưởng THT sản xuất sầu riêng Tân Thới, cho biết: Trước đây, nhà vườn ở xã Tân Thới chủ yếu trồng cây ăn trái như cam hay chuối, với thu nhập thấp. Và để nâng cao hiệu quả canh tác trên diện tích sẵn có, THT đã vận động 20 nhà vườn trong xã bắt tay hợp tác cùng nhau trồng sầu riêng Ri 6 và Monthong theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 19,4ha. Và qua gần 6 năm kiên trì, áp dụng tốt các biện pháp trồng sầu riêng theo hướng sạch, nhiều nhà vườn trong THT đã tiết giảm chi phí phân, thuốc; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường và sức khỏe nhà vườn, nhất là đảm bảo cho trái sầu riêng đạt chất lượng an toàn đến tay người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, sầu riêng của THT còn được ngành chức năng thành phố hỗ trợ tham gia vào cổng thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chủ lực của Cần Thơ trên trang chonongsancantho.vn. Nhờ vậy, sản phẩm được các thương lái và nhiều doanh nghiệp tìm đến tận vườn để thu mua, với giá cao hơn so với giá thị trường, mang lại nguồn thu nhập từ hơn 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/hộ/năm, tùy diện tích canh tác. Ðiều đáng mừng hơn là sầu riêng của THT đang được ngành chức năng thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu, góp phần tiếp thêm động lực, thúc đẩy nhà vườn trong THT tăng cường hiệu quả sản xuất sạch, để gia tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, việc đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ, truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm đã giúp các HTX, THT gia tăng giá trị và thương hiệu nông sản, hàng hóa trên thị trường. Song để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý trong kinh doanh, Liên minh HTX thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tổ chức nhiều chương trình tập huấn, nhằm giúp các HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng dữ liệu số trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, Postmart.vn… Từ đó, giúp các HTX tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các giải pháp số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường trong bối cảnh mới.