Thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã

Theo dangcongsan.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…Bởi vậy, cần sửa đổi Luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ngày 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp Chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đã tạo khung khổ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Sau 10 năm thực hiện Luật đã tác động tích cực đến hoạt động của các hợp tác xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chưa bao quát đầy đủ các loại hình tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời cần sửa đổi luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tập trung thảo luận về các nội dung lớn của dự án Luật, cụ thể: Một số vấn đề chung, sự phù hợp của dự thảo luật với chủ trương của Đảng; tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với cam kết về các điều ước quốc tế có liên quan ở Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; sự phù hợp, tương thích của luật với các luật có liên quan; tính khả thi của các điều khoản quy định trong dự thảo luật; hình thức, nội dung văn bản trong hồ sơ dự án luật; kết cấu dự thảo luật. Xem xét điều kiện, chất lượng của dự án Luật để bảo đảm trình Quốc hội theo quy định.

Về tên gọi của luật, Chính phủ đề nghị đổi tên dự án luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ tên như luật hiện hành là Luật Hợp tác xã. Yêu cầu đặt ra là tên luật phải bảo đảm bao quát các loại hình kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết 20 nhưng ảnh hưởng ít nhất đến việc tham chiếu, áp dụng pháp luật và hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến đối với quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động, điều kiện trở thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên liên kết; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Mô hình có nguyên tắc hoạt động của từng loại hình tổ chức kinh tế này, các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã. Đối với các quy định về Liên đoàn Hợp tác xã, Chính phủ trình trong dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế thì cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn phải thành lập mô hình này.

Sửa đổi Luật phải cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế; tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đồng thời qua tổng kết Luật Hợp tác xã năm 2012 để khắc phục những bất cập, những tồn tại trong hoạt động tổ chức hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã hiện hành. Đây cũng là nhiệm vụ luật pháp được xác định trong đề án định hướng chương trình lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Cho biết đây là lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý yêu cầu sửa đổi luật phải cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp, đặc biệt là các quy định, các quan điểm trong Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ dự án Luật cũng được chuẩn bị tương đối công phu, đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ghi nhận trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan đã đã tiếp cận, cố gắng nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp, lắng nghe ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng nên giữ tên gọi của Luật như hiện hành. Trường hợp có thay đổi, mở rộng thì nên quy định trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật sẽ phù hợp hơn. Hợp tác xã là tên gọi có tính truyền thống, từ hàng nghìn năm nay, nhiều nước cũng gọi là Luật Hợp tác xã. Gốc của vấn đề cũng  là hợp tác xã tức là trên cơ sở tự nguyện, cùng góp vốn, cùng góp sức, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm và ngày xưa từ những ngày đầu kháng chiến hợp tác xã thành lập là trên cơ sở sở hữu chung hợp nhất.

Trong quá trình phát triển, chuyển đổi thì hợp tác xã không thuần túy là sở hữu chung hợp nhất nữa dần dần kết hợp cả sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung theo phần, không thuần túy là đối nhân nữa mà dần dần cũng có phần đối vốn bởi vì có chia cổ tức. Nhưng hợp tác xã khác các doanh nghiệp khác ở chỗ là có tính xã hội, có tính cộng đồng, tính chia sẻ, tính hỗ trợ lẫn nhau, không thuần túy là kinh tế, là lợi nhuận nhưng cũng không phải là phi lợi nhuận mà vẫn có lợi ích.

Do đó, cần thể hiện rõ hơn hợp tác xã là một hình thức kinh tế tập thể mà ở đó cùng nhau làm, chia sẻ lợi ích với nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, trường hợp xin ý kiến về 2 phương án song cần phải làm rõ luận cứ; tiếp tục rà soát phạm vi đối tượng điều chỉnh để bảo đảm bao quát.

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra tập trung vào một số vấn đề như vai trò, vị trí pháp lý, nhiệm vụ của tổ chức đại diện của Liên minh Hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.